Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 27/03/2024 11:08 (GMT+7)

Apax Holdings kinh doanh ra sao trước khi Shark Thủy bị bắt

Là doanh nghiệp duy nhất trong hệ sinh thái của Shark Thủy từng niêm yết trên sàn HoSE, tuy nhiên Apax Holdings (IBC) chìm trong thua lỗ trong năm 2022 và vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2023.

Ngày 26-3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi Shark Thủy). Đồng thời cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup. Ông Thủy bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi bị bắt, Shark Thủy được biết đến là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup. Một trong những doanh nghiệp nổi tiếng nhất trong hệ sinh thái của Egroup là CTCP Đầu tư Apax Holdings doanh nghiệp từng niêm yết trên sàn HoSE với mã cổ phiếu IBC. Tại đây, CTCP Tập đoàn Giáo dục EGROUP nắm giữ gần 14 triệu cổ phiếu IBC tương đương tỷ lệ 16,77% cổ phần, Chủ tịch Nguyễn Trọng Thủy nắm giữ hơn 5,13 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 6,17% cổ phần.

Theo công bố, đến cuối năm 2022, Apax Holdings đang có 3 công ty con là Công ty cổ phần Anh ngữ Apax với vốn điều lệ hơn 887 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarden và Công ty cổ phần Trường liên cấp Firbank Australia có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, cùng 1 công ty liên kết là Công ty cổ phần Tập đoàn hạ tầng giáo dục.

tm-img-alt
Apax Holdings của Shark Thủy lỗ lớn trong năm 2022 và đã bị hủy niêm yết trên sàn HoSE vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Trong số này, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax được coi là công ty con hoạt động hiệu quả nhất. Theo giới thiệu, hệ thống này đang có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học. Tính đến cuối tháng 12/2022, Apax Holdings đang sở hữu 66,36% cổ phần Apax Leaders.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của IBC đã lao dốc sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, sau 2 lần bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM nhắc nhở vì chậm nộp báo cáo tài chính, Apax Holdings đã có công bố báo cáo tài chính tự lập quý 4 và cả năm 2022, ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm nhất từ khi niêm yết.

Trong quý IV/2022, Apax Holdings ghi nhận doanh thu thuần âm 45,5 tỷ, doanh thu tài chính âm 41,5 tỷ và chi phí bán hàng cũng âm 85 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, Apax Holdings lỗ trước thuế 111 tỷ đồng, trái ngược với cùng kỳ năm 2021 đạt doanh thu 352 tỷ đồng và lãi trước thuế 118 tỷ đồng. 

Sau 1 năm biến động, luỹ kế cả năm 2022, doanh nghiệp của Shark Thuỷ đạt doanh thu 1.336 tỷ, tăng 35% so với kết quả 2021. Song lỗ trước thuế lên đến 77 tỷ, lỗ ròng 81 tỷ, đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC.

Trong năm, chi phí tài chính của công ty tăng mạnh từ 67 tỷ lên 204 tỷ. Chỉ riêng trong quý IV này, chi phí lãi vay của IBC phát sinh thêm 35 tỷ, khiến chi phí lãi vay cả năm tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2021 lên 161 tỷ. Song trong báo cáo, không ghi nhận tiền lãi vay mà IBC đã trả. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng hơn gấp đôi lên 200 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, tăng so với đầu năm, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn + dài hạn) là 1.915 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ so với đầu năm còn 1.520 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2022 còn 4.596 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2022, lượng tiền mặt của Apax Holdings vẫn khá dồi dào với 737 tỷ đồng tiền và tương đương tiền - tăng nhẹ so với 697 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Trong đó, chỉ riêng khoản tiền mặt đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này, lớn gấp hơn 2 lần nếu so với cuối quý 3/2022.

Không chỉ lỗ lớn trong năm 2022, Apax Holdings gặp nhiều thông tin tiêu cực như nợ học phí, nợ lương, phải đóng cửa dừng hoạt động. Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.

Đến thời điểm này, IBC vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Hà Nội công bố thông tin cho biết Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax của Shark Thuỷ đứng đầu danh sách chậm đóng bảo hiểm với số tiền nợ lên đến 57,1 tỷ đồng (số liệu tính đến hết ngày 29/2/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/3/2024). Số tháng chậm đóng được thống kê là 48 tháng, tương ứng 4 năm. Trước đó trong danh sách các doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên tại Tp.HCM cũng ghi nhận doanh nghiệp này đang xếp thứ ba về số tiền chậm đóng.

Đơn vị này chậm đóng gần 31,3 tỷ đồng với thời gian chưa đóng BHXH cho người lao động là 48 tháng. Đó là chưa kể đến một chi nhánh khách của Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax đóng ở phường 6, quận 3 cũng nợ gần 1,4 tỷ đồng với thời gian chưa đóng là 43 tháng.

Do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin cho nên hơn 83 triệu cổ phiếu IBC trên sàn UPCOM vẫn đang trong diện đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12/2023. Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) có công văn về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC từ ngày 6/12/2023 do tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc.

Nội bộ Apax Holdings cũng biến động mạnh sau khi cổ phiếu công ty bị hủy niêm yết trên HoSE và chuyển xuống sàn Upcom. Theo công bố, 3 thành viên HĐQT đã nộp đơn từ nhiệm là ông Quách Mạnh Hào, Nguyễn Minh Chính và Nguyễn Trọng Quỳnh, đều với lý do cá nhân. Nếu được thông qua, HĐQT IBC sẽ chỉ còn 2 người là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) và ông Nguyễn Ngọc Khánh.

Cùng chuyên mục

14 năm MCC.GROUP kiến tạo giá trị cho ngành dịch vụ
Câu chuyện về MCC.GROUP Việt Nam bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, nơi lời khuyên của một vị lãnh đạo quốc tế đã thắp lên ngọn lửa đam mê trong một doanh nhân trẻ tuổi. Hơn một thập kỷ qua, MCC.GROUP, dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám đốc Mai Quốc Việt, đã trở thành minh chứng cho sự tận tâm, sáng tạo và quyết tâm không ngừng nghỉ trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp.
BOMBIT EHL BIO Việt Nam: “Lừa đảo” mỹ phẩm tế bào gốc để trục lợi?
Những sản phẩm Bombit của viện nghiên cứu Tế bào gốc Y học tái tạo EHL BIO Hàn Quốc đang được công ty Cindel Tox nhập khẩu dưới dạng trang thiết bị y tế loại A. Đáng nói, trong thành phần khai báo với Bộ Y tế Việt Nam không có tế bào gốc nhưng khi bán ra thị trường, sản phẩm đuợc giới thiệu chứa dịch chiết tế bào gốc mô mỡ người.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...