Australia: Trang trại nổi trên biển có khả năng sản xuất nước ngọt
Các nhà nghiên cứu Australia đã sử dụng thành công trang trại để trồng bông cải xanh, rau diếp và cây cải chíp trên mặt nước biển mà không cần phải tưới thêm.
Trong nghiên cứu được công bố ngày 11/9, nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện Công nghiệp Tương lai tại Đại học Nam Australia (UniSA) cho biết hệ thống tự vận hành bằng năng lượng Mặt Trời có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt đang gia tăng trên toàn cầu.
Hệ thống này làm bay hơi nước biển và tái chế thành nước ngọt qua hai buồng; một tầng trên tương tự như một nhà kính và một tầng dưới để thu nước, sau đó được ngưng tụ và chuyển đến buồng trồng thực vật.
Trong một thử nghiệm thực địa, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thành công trang trại để trồng bông cải xanh, rau diếp và cây cải chíp trên mặt nước biển mà không cần phải tưới thêm.
Trong thông cáo báo chí, nhà nghiên cứu Haolan Xu cho biết hệ thống này có một số lợi thế so với các thiết kế trang trại biển Mặt Trời khác. Theo ông, các thiết kế khác lắp đặt các thiết bị bay hơi bên trong buồng trồng cây, chiếm không gian quý giá mà lẽ ra có thể được sử dụng cho cây trồng tăng trưởng. Ngoài ra, các hệ thống này dễ bị quá nhiệt và làm cây chết.
Ông nhấn mạnh: "Trong thiết kế của chúng tôi, sự phân bố theo chiều dọc của thiết bị bay hơi và buồng tăng trưởng giúp giảm diện tích tổng thể của thiết bị, tối đa hóa diện tích sản xuất thực phẩm. Thiết bị hoàn toàn tự động, chi phí thấp và rất dễ vận hành, chỉ sử dụng năng lượng Mặt Trời và nước biển để sản xuất nước sạch và trồng trọt."
Về phần mình, nhà nghiên cứu Gary Owens cho biết bước tiếp theo là mở rộng quy mô thiết kế. Ông chia sẻ rằng trong tương lai, mọi người có thể thấy các trang trại với các quần xã sinh vật "trôi nổi" trên đại dương hoặc nhiều mô hình nhỏ hơn được triển khai trên một vùng biển rộng lớn.