Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 10/03/2023 12:45 (GMT+7)

Bắc Giang: Lễ hội Yên Thế sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17/3/2023

Theo Ban tổ chức Lễ hội Yên Thế năm 2023, điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất tử” tại lễ khai mạc diễn ra sáng 16/3 tại Khu di tích lịch sử khởi nghĩa Yên Thế, thị trấn Phồn Xương.

Lễ hội Yên Thế được bắt nguồn từ lễ hội cầu mùa ở Phồn Xương. Từ xa xưa, cư dân thường tổ chức lễ hội này tại đình và đền Phồn Xương, thuộc thị trấn Cầu Gồ và xã Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 (Âm lịch).

Trong thời kỳ khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) - lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa, đã đổi lịch tổ chức hội này sang trung tuần tháng Giêng. Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại, nhân dân Phồn Xương thường tổ chức hội vào ngày 5 tháng Giêng (ngày giỗ của Hoàng Hoa Thám) để tưởng nhớ vị anh hùng của dân tộc.

tm-img-alt
Khởi nghĩa Yên Thế - Trang sử vàng của cách mạng Việt Nam. Ảnh TL.

Năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Thế, tỉnh Hà Bắc đã quyết định tổ chức Lễ hội Phồn Xương vào 3 ngày 15, 16 và 17 tháng 3 Dương lịch hàng năm và lấy tên là Lễ hội Yên Thế.

Sau 3 năm tạm dừng bởi dịch Covid-19, lễ hội năm nay được UBND huyện Yên Thế tổ chức từ 15 đến 17/3/2023.

Chương trình phần hội sẽ có nhiều hoạt động thể thao, thi đấu hấp dẫn như: Giải Vô địch võ thuật tỉnh Bắc Giang và các giải do UBND huyện tổ chức: Đẩy gậy, bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền hơi, kéo co, bắn nỏ, cầu lông, tenis, cờ tướng, chọi dê.

tm-img-alt
Lễ tế cờ tái hiện lễ tế cờ năm xưa của nghĩa quân Yên Thế. Ảnh TL.

Lễ hội kỷ niệm 139 năm khởi nghĩa Yên Thế nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ của nhân dân ta. Đây còn là dịp để huyện Yên Thế tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hoá đặc sắc, tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện ngày một phát triển.

Đáng chú ý của Lễ hội năm nay, là chương trình nghệ thuật đặc biệt kéo dài khoảng 60 phút, gồm 2 phần. Phần 1 có tựa đề "Hào khí Phồn Xương" do Nhà hát Chèo Bắc Giang thực hiện. Nội dung tái hiện màn tế cờ của nghĩa quân Đề Thám. Phần 2 "Yên Thế tự hào và khát vọng" do Công ty cổ phần Thương mại Đại Nghĩa thực hiện với sự tham gia của các ca sĩ từng giành nhiều giải cao tại các sân chơi âm nhạc lớn.

Như ca sĩ: Lê Việt Anh (giải Nhì dòng nhạc nhẹ Giải Sao Mai năm 2011), Trần Thu Hường (giải Nhì tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh 2007, chung kết Giải Sao Mai năm 2008), Nguyễn Diệu Thúy (giải Ba dòng nhạc thính phòng, Giải Sao Mai năm 2019) cùng nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ, Học viện Múa Việt Nam, Vũ đoàn Queen Hà Nội.

Các ca khúc trong chương trình ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng chống giặc ngoại xâm của nhân dân Yên Thế cùng khát vọng vươn lên xây dựng quê hương qua các bài hát: "Hùm thiêng Yên Thế", "Hoàng Hoa Thám", "Một dáng cầu vồng", "Sắc xuân Yên Thế", "Yên Thế non nước xinh".

Các màn đồng diễn võ thuật của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Yên Thế trên nền nhạc hùng tráng, cùng hình ảnh nghĩa quân dàn trận, hình tượng của Đề Thám trong các ca khúc, kết hợp nhạc cụ đương đại và nhạc cụ dân tộc sẽ tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với người xem.

Để thực hiện chương trình nghệ thuật đặc sắc này, 2 đơn vị trực tiếp thực hiện (Nhà hát Chèo Bắc Giang và Công ty cổ phần Thương mại Đại Nghĩa) huy động hơn 100 diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công tham gia. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực dàn dựng, luyện tập, khớp nối để hoàn thiện chương trình.

Trong khuôn khổ của lễ hội còn có biểu diễn nghệ thuật rối nước, hát quan họ trên thuyền, hát chèo, hội diễn văn nghệ quần chúng, giới thiệu ẩm thực và trưng bày các sản phẩm chủ lực, hội trại thanh niên, hội chợ thương mại.

Để đánh giá đúng tầm vóc lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế và đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg, xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt” đối với Những điểm khởi nghĩa Yên Thế.

Cũng trong năm 2012, để ghi nhận, bảo tồn và phát huy giá trị của Lễ hội, ngày 27/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ký Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Yên Thế là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.

Cùng chuyên mục

Tạm dừng tuyến đi bộ leo núi Lang Biang do không đảm bảo an toàn
Chiều 31/10, lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) đã thông báo tạm dừng tuyến đi bộ lên đường mòn Lang Biang ở độ cao 2.167m. Nguyên nhân là do không đảm bảo an toàn cho du khách, nhất là các du khách tự phát, không đăng ký với đơn vị chủ rừng trước khi đi.
Cận cảnh di tích Chùa Cầu – Hội An sau tu bổ
Sau 1 năm rưỡi tiến hành tu bổ, di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) - biểu tượng của Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành các hạng mục chính, chuẩn bị khánh thành phục vụ khách tham quan.
Thí điểm du lịch đêm ở 12 địa phương
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ này vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Trong đó phát triển sản phẩm du lịch đêm là một trong nhiều nội dung nhận được nhiều sự quan tâm.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...