Bác sĩ từng chữa gần 10 ca nhập viện vì bóng cười: 'Có người đi như bò mới đẻ, không điều trị kịp sẽ bị liệt nửa người'
Từng trực tiếp điều trị cho gần 10 thanh niên nhập viện vì hút bóng cười, bác sĩ Nam khẳng định đây là chất rất nguy hiểm với sức khỏe. Những trường hợp lạm dụng bóng cười nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới liệt người.
"Lấy lí do bóng cười không phải ma túy: Đó là nhận thức sai"
Thời gian gần đây tình trạng giới trẻ hút bóng cười tại các quán cà phê, quán bar lại diễn ra có phần tinh vi hơn.
Đi cùng với đó là việc buôn bán, kinh doanh bóng cười thách thức pháp luật. Rất nhiều trường hợp, sau khi sử dụng bóng cười đã phải nhập viện cấp cứu.
Là người trực tiếp chữa trị cho gần 10 bệnh nhân liên quan đến bóng cười, bác sĩ chuyên khoa 2 Chu Tiến Nam - Phó khoa khám bệnh Viện Y học cổ truyền Trung ương cho hay, đây là loại khí độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh của con người.
Theo bác sĩ Nam, bóng cười hay còn gọi là khí cười không còn xa lạ với nhiều người, thực chất là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide).
Sử dụng quá nhiều bóng cười sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân. Theo lời kể của vị bác sĩ, những người nhập viện vì bóng cười có triệu chứng như người nghiện ma túy, nếu nhìn kĩ có thể phát hiện được triệu chứng.
"Khi đến đây, những người sử dụng bóng cười nhìn rất 'tã', khác hẳn với những người mắc bệnh mãn tính khác. Những trường hợp như vậy tôi đã chữa trị cho tầm 7, 8 người.
Khi vào viện, tất cả đều thú nhận là đã sử dụng bóng cười khi đi sinh nhật, vui chơi với bạn bè. Họ đều lấy lí do bóng cười không phải ma túy, dùng cái này để gây cảm giác khoái cảm. Nhưng tất cả đều nhận thức sai về chất này.", ông Nam nói.
Theo vị bác sĩ, bóng cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.
Việc sử dụng bóng cười kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong. Với những người đang lái xe, dùng bóng cười sẽ rất nguy hiểm.
Nhiều bạn trẻ phải nhập viện điều trị bằng phương pháp châm cứu
Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu oxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp.
"Gần đây nhất là một bạn gái tầm 20 tuổi ở quận Thanh Xuân đến đây với tình trạng đi không vững, người nhà phải dìu từng bước.
Toàn bộ hệ thần kinh ngoại biên đã bị ảnh hưởng dẫn đến bước đi của cô gái không được bình thường. Sau khi vào đây hỗ trợ châm cứu, bấm huyệt một thời gian cũng đã hồi phục. Những trường hợp như này nếu không chữa trị sớm rất dễ trở nên liệt nửa người.
Một trường hợp nam thanh niên khác đến đây với tình trạng rối loạn lo âu, đêm không ngủ được, tinh thần hoảng loạn, lúc buồn lúc vui, mọi hành vi đều không bình thường.
Tôi nhớ nhất là trường hợp một bạn nam còn rất trẻ đến đây với tình trạng đi như... bò vừa đẻ ra. Đi cứ loạng choạng, chân bước không vững. Người này phải nhập viện điều trị bằng phương pháp châm cứu, xoa bóp hơn 7 ngày mới khỏi.
Thông thường với những trường hợp như vậy, liệu trình điều trị kéo dài từ 7 đến 10 ngày", bác sĩ Nam chia sẻ.
Ông Nam chia sẻ thêm, đối với giới trẻ tuyệt đối không được lạm dụng bóng cười, bởi bóng cười cũng như ma túy, gây nghiện nên rất khó bỏ.