Bảo hiểm xe máy: Không nên làm khó dân!
Khi bảo hiểm xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí thì không nên bắt buộc người dân tham gia. Bỏ quy định bắt buộc, chuyển sang tự nguyện thì các đơn vị bảo hiểm sẽ phải cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút khách hàng.
Trong những câu chuyện rôm rả suốt mấy ngày qua bên ly cà phê, nhiều người nhắc đến việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy.
Có những ý kiến cho rằng, phí bảo hiểm chỉ 66.000 đồng/năm đối với xe máy trên 50cc và 55.000 đồng/năm đối với xe dưới 50cc là không nhiều, nhưng mua chỉ để bảo đảm đủ điều kiện đi đường, tránh bị Cảnh sát giao thông xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng, thì chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ và làm giàu cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Hơn nữa, nếu trông chờ được bồi thường khi xảy ra tai nạn thì vô cùng khó vì vướng đủ loại thủ tục như phải có biên bản khám nghiệm hiện trường tai nạn, sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan tai nạn, giấy chứng thương, giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật, hồ sơ bệnh án…
Tổng cộng có gần 20 loại giấy tờ các loại để được hưởng bảo hiểm xe máy, theo Điều 14 Thông tư 22 quy định về "Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới". Mới nghe qua con số cũng đủ choáng!
Mất nhiều thời gian, công sức với những loại giấy tờ không dễ có được, mà tiền bồi thường chỉ vài ba triệu đồng, có khi chẳng đủ sửa xe, thì chẳng thể trách người dân không mặn mà với loại hình bảo hiểm này.
Thực ra, những tranh luận về hiệu quả của bảo hiểm xe máy đã diễn ra từ lâu, giờ đây một lần nữa được xới lên khi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mua bảo hiểm xe máy dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên, thay vì bắt buộc.
Ngay lập tức, đề xuất của VCCI nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân. Lẽ ra, ở một đất nước có phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy thì chính sách bảo hiểm bắt buộc như thế là rất thiết thực và phải được người dân ủng hộ.
Thế nhưng, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, tỉ lệ chi trả bảo hiểm xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỉ đồng chi trả trên 765 tỉ đồng phí bảo hiểm), trong khi tỉ lệ chi trả của bảo hiểm ô-tô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.
Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng cho thấy, sau khi thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm được đơn giản hóa theo Nghị định số 03/2021, tỉ lệ bồi thường bảo hiểm xe máy chỉ ở mức 2% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Điều đó càng củng cố quan điểm của nhiều người dân rằng, việc bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy là không cần thiết. Mua bảo hiểm thì rất dễ nhưng đòi bồi thường thì rất khó. Như vậy, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí và đây là điều nghịch lý.
Bảo hiểm xe máy bắt buộc là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển xe cơ giới phải mang theo khi tham gia giao thông theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính.
Nếu xảy ra tai nạn giao thông, bảo hiểm sẽ hỗ trợ bồi thường cho bên thứ ba bị ảnh hưởng tai nạn nhằm bảo đảm quyền lợi cho tất cả các bên. Tuy nhiên, chính thủ tục rườm rà, phức tạp đã làm giảm niềm tin của người dân, đồng thời làm mất ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm.
Trong văn bản góp với Bộ Tài chính, VCCI nêu: Chính sách bảo hiểm xe máy trải qua hơn 3 thập niên với nhiều văn bản Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định chi tiết, vậy nếu có vấn đề thì tại sao hơn 30 năm qua thực trạng này vẫn chưa được khắc phục?
Chính sách có vấn đề hay việc thực thi chính sách có vấn đề thì có lẽ không khó nhìn thấy. Điều đáng nói là trong khi các quy định được sửa tới sửa lui thì phía bảo hiểm vẫn ung dung với lãi to mà chưa cung cấp được dịch vụ tốt cho người dân.
Vậy nên, khi bảo hiểm xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí thì không nên làm khó người dân bằng những quy định ràng buộc. Bỏ quy định bắt buộc, chuyển sang tự nguyện thì các đơn vị bảo hiểm sẽ phải cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút khách hàng, chứ không còn ngồi chơi mà tiền tự chảy vào túi nữa.