Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 19/07/2024 16:49 (GMT+7)

Bắt tạm giam CEO Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan

Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Ngày 19/7, Bộ Công an cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tổ chức thi hành theo quy định pháp luật.

tm-img-alt
Bà Nguyễn Thị Như Loan, sinh năm 1960, quê quán Bình Định. Ảnh TL.

Vào sáng 19/7, lực lượng chức năng xuất hiện tại căn biệt thự màu trắng ở số 26 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM. Địa chỉ này được đăng ký là nhà riêng của bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

Theo ghi nhận, hơn 9h sáng, hàng chục cảnh sát cơ động, điều tra viên, kiểm sát viên... sau đó vào biệt thự, làm việc tại các phòng, tầng hầm.

tm-img-alt
Hàng chục cảnh sát cơ động, công an và đại diện VKS đến nhà bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM. Ảnh Chinh Hoàng.

Trước đó, ngày 23/5/2024, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan CSĐT cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 8 bị can cựu lãnh đạo các doanh nghiệp và khởi tố, cho tại ngoại 1 bị can cùng về tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"…

Theo Báo CAND, dấu hiệu sai phạm tại dự án thuộc khu cao ốc phức hợp ở số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4 có diện tích đất 6.202 m2. Năm 2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kết luận đây là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước do 2 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) quản lý là Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa, thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Thu lợi hàng trăm tỷ đồng trong vụ
Dự án cao ốc phức hợp 39-39B Bến Vân Đồn.

Năm 2009, 2 DNNN trên đã góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín. Trong đó, Tổng công ty Cao su Đồng Nai góp 72%, Công ty Cao su Bà Rịa góp 28% vốn điều lệ với số vốn gần như không đáng kể, chỉ ở mức vài triệu đồng. Dù vậy, ngày 25/3/2010, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn ra quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư dự án. Năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất này là hơn 186 tỷ đồng.

Kết luận của TTCP đã khẳng định: Việc UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty TNHH Phú Việt Tín, một pháp nhân mới làm chủ đầu tư dự án đối với khu đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Thông tư số 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất. Cho rằng khu đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được phê duyệt, TTCP đã đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo quy định.

Báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện Kết luận của TTCP, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã khẳng định khu đất có địa chỉ 39-39B Bến Vân Đồn thuộc tài sản công. Tuy nhiên, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, bản chất của việc giao Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư dự án tại đây là Nhà nước cho phép DNNN được tiếp tục sử dụng đất theo quy hoạch, chứ hoàn toàn không phải là việc giao đất cho đối tượng khác không thông qua đấu giá.

Trong khi đó, lợi dụng tình trạng 2 cổ đông là DNNN chỉ góp mức vốn “tượng trưng” vào Công ty TNHH Phú Việt Tín nên không có khả năng tự thực hiện dự án, một doanh nghiệp tư nhân là Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã lần lượt thâu tóm cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín để sở hữu khu đất này và nhanh chóng thu lợi hàng trăm tỷ đồng trong thời gian rất ngắn. Cụ thể, trong văn bản giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh về việc chậm công bố thông tin các nghị quyết HĐQT liên quan đến nội dung nhận, chuyển nhượng dự án vào năm 2015, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã thông tin về việc thu được khoản lợi nhuận “khủng” từ vụ thâu tóm doanh nghiệp làm chủ khu đất công có dự án trên.

Việc mua lại cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín bắt đầu vào ngày 14/8/2014, khi HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định cử bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc làm đại diện phần vốn góp vẻn vẹn 5,94 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã có thể nghiễm nhiên chiếm tỷ lệ nắm giữ 99% vốn tại Công ty TNHH Phú Việt Tín. Chưa đến 1 tháng sau, ngày 10/9/2014, HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định nhận chuyển nhượng nốt 0,72% phần vốn góp, tương đương 43,2 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai. Đồng thời nhận chuyển nhượng 0,28% phần vốn góp, tương đương với 16,8 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa. Đây là số tiền giá trị cổ phần của 2 DNNN tại Công ty TNHH Phú Việt Tín sau khi Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã "bơm" tiền vào để tăng vốn điều lệ.

Sau khi sở hữu toàn bộ cổ phần của Công ty TNHH Phú Việt Tín, ngày 3/9/2014 HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định chuyển nhượng 30 triệu đồng vốn góp, tương đương với 0,5% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến với tổng giá trị chuyển nhượng là 3 tỉ đồng. Ngày 14/11/2014, HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai tiếp tục quyết định chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho 2 công ty khác. Trong đó chuyển nhượng cho Công ty CP BĐS Thịnh Vượng 76 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương với 40% vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 340 tỷ đồng. Chuyển nhượng cho Công ty CP biệt thự Thành phố 102,6 tỷ đồng phần vốn góp, tương đương với 54% vốn điều lệ Công ty TNHH Phú Việt Tín với giá chuyển nhượng hơn 459 tỷ đồng.

Dự án trên sau đó đến tay doanh nghiệp BĐS và trở thành cao ốc phức hợp với nhiều căn hộ cao cấp có tên gọi The Tresor có vị trí đắc địa, cách quận 1 chỉ một tuyến kênh Bến Nghé và khoảng 200m nếu đi bằng đường bộ. Do đó, Nhà nước thất thoát lớn từ dự án “biến đất công thành đất ông” trên. Hiện cơ quan CSĐT Bộ Công an đang khẩn trương làm rõ các tổ chức, cá nhân sai phạm để sớm xử lý theo pháp luật.

tm-img-alt
04 bị can (từ trái qua): Trần Ngọc Thuận; Nguyễn Thị Hồng; Võ Sỹ Lực; Trần Thoại. Ảnh BCA.

Mới đây nhất, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an đưa tin, ngày 15/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét đối với 04 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Mở rộng điều tra vụ án, ngày 15/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh Cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét đối với: (1) Trần Ngọc Thuận, nguyên Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam về tội “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự; (2) Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự; (3) Võ Sỹ Lực, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam và (4) Trần Thoại, Thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Ngày 15/7/2024, sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, sinh năm 1960, quê quán Bình Định. Từ năm 1994 đến tháng 2/2007, bà giữ chức vụ Giám đốc xí nghiệp tư doanh Quốc Cường. Hiện tại, bà giữ chức Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Quốc Cường Gia Lai được thành lập vào năm 1994 (tiền thân là công ty chuyên cung cấp gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ chế biến và các sản phẩm gỗ xuất khẩu, bàn ghế ngoài trời, trang trí nội thất...). Hiện nay, Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai đã phát triển trở thành một trong những Tập đoàn "có tiếng" trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án như De Capella (TP.HCM), Marina (Đà Nẵng)...

Năm 2024, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 20 lần năm trước.

Cùng chuyên mục

Cảnh giác thủ đoạn giả mạo tổ chức nước ngoài để tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo tinh vi, lợi dụng nhu cầu cấp chứng chỉ tiếng Anh của nhiều người để tổ chức các kỳ thi giả mạo, chiếm đoạt tài sản. Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi các cơ quan, bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu kiểm tra, rà soát hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ không hợp pháp.
Cảnh giác với thủ đoạn lừa cài ứng dụng ngân hàng giả mạo nhằm chiếm quyền điểu khiển thiết bị
Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra loạt cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện trong tuần qua. Trong đó đáng chú ý là việc các đối tượng lừa đảo dùng app ngân hàng giả mạo để chiếm quyền kiểm soát thiết bị, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Tin mới

“Mang tinh hoa Việt ra toàn cầu”, Nệm Thuần Việt sẵn sàng chinh phục Amazon
Nệm Thuần Việt, với tầm nhìn vươn ra quốc tế, đã chọn Amazon làm bệ phóng để chinh phục thị trường toàn cầu. Bắt đầu từ một doanh nghiệp nhỏ vào năm 2018, thương hiệu đã không ngừng phát triển và khẳng định vị thế tại Việt Nam. Với chất lượng đạt chuẩn quốc tế, Nệm Thuần Việt quyết tâm đưa sản phẩm nệm cao su thiên nhiên đến với người tiêu dùng toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp nệm hàng đầu.
Cảnh giác thủ đoạn giả mạo tổ chức nước ngoài để tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện và cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo tinh vi, lợi dụng nhu cầu cấp chứng chỉ tiếng Anh của nhiều người để tổ chức các kỳ thi giả mạo, chiếm đoạt tài sản. Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi các cơ quan, bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu kiểm tra, rà soát hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ không hợp pháp.