Bầu Đức và 6 CLB bức xúc với VPF: Chuyện lớn của bóng đá Việt Nam!
Hôm qua, CLB HAGL chính thức gửi đơn muốn VPF tổ chức Đại hội bất thường để bầu lại lãnh đạo VPF.
Văn bản của CLB HAGL gửi VFF và VPF do giám đốc điều hành - ông Nguyễn Tấn Anh ký, có ý kiến như sau:
"Thông qua công văn này, HAGL đề nghị hội đồng quản trị VPF triệu tập đại hội cổ đông bất thường để thực hiện các vấn đề sau:
1. Kiện toàn bộ máy hội đồng quản trị, lựa chọn lãnh đạo phù hợp để quản lý, điều hành VPF.
2. Chấn chỉnh lại những mặt yếu kém, thiếu sót trong việc quản lý điều hành, vận động tài trợ, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn... với mục tiêu đưa các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững".
Một CLB khác là Quảng Nam FC cũng gửi đơn cùng ngày với CLB HAGL. Đội bóng xứ Quảng đề nghị: "Tổ chức đại hội cổ đông bất thường VPF để các cổ đông có điều kiện tham gia vào những hạn chế thiếu sót của lãnh đạo VPF trong thời gian qua, có hiện tượng mất đoàn kết. Kiện toàn lại các chức danh lãnh đạo VPF và các phòng ban liên quan cho xứng tầm với sự phát triển của bóng đá Việt Nam".
Trước CLB HAGL và Quảng Nam FC, những Nam Định FC, Hải Phòng, SLNA, Bình Dương FC đã gửi đơn yêu cầu VPF tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại lãnh đạo VPF.
Theo điều lệ của VPF ở Điều 30, Đại hộ cổ đông bất thường diễn ra khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông hoặc ban kiểm soát trong trường hợp hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý hoặc hội đồng quản trị ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.
6 CLB (5 đội ở V.League và 1 đội hạng Nhất) gửi đơn muốn Đại hộ cổ đông bất thường đã chiếm đến 20,5% tổng số cổ phần phổ thông của VPF. Vì mỗi đội ở V.League có 3,9%, còn đội hạng Nhất là 1%.
Dù vậy, chuyện nhiều đội phản ứng VPF cần phải được nhìn đúng chứ không phải vấn đề bầu lại lãnh đạo VPF. Đó là sự mất niềm tin nghiêm trọng của các CLB với thượng tầng bóng đá Việt Nam.
Cụ thể, lãnh đạo VPF đã bị nhiều CLB phản ứng mạnh mẽ trên báo chí, sau đó cuộc phê phán đến... tắt micro trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 24/8. Ngay cả cuộc họp Ban chấp hành VFF thì Tổng giám đốc VPF - ông Nguyễn Minh Ngọc cũng bị một thành viên BCH VFF phê phán về chuyện ra văn bản gửi CLB Hải Phòng.
Ở dư luận, nhiều người hâm mộ đã chê trách VPF không làm tốt nên bị nhiều CLB phản ứng. Đây cũng là biểu hiện của sự mất niềm tin vào VPF ở góc độ khán giả theo dõi bóng đá Việt Nam.
Ở khía cạnh ông chủ có uy tín và nhiều đóng góp lớn cho bóng đá nước nhà, bầu Đức phê phán VPF không tôn trọng các CLB, không phát triển tương xứng với thành tích ĐTQG. Bầu Đức nói thẳng ông Trần Anh Tú nếu tự trọng thì nên nghỉ, bởi bị nhiều người phản ứng.
Trong chính ngôi nhà VPF, một thành viên Hội đồng quản trị VPF cũng bày tỏ sự bức xúc lớn với ông Trần Anh Tú và ông Nguyễn Minh Ngọc. Vị này cho rằng cả hai có năng lực kém, không thể làm tốt công việc ở VPF.
Nhìn từ nhiều góc độ khác nhau có thể thấy VPF bây giờ đang bị chê trách rất lớn. Như bầu Đức nói "thời điểm này bóng đá phải dừng vì dịch bệnh thì cần tiến hành cải tổ VPF mới tốt cho bóng đá Việt Nam. Phải làm ngay đi. Nếu để VPF như hiện tại thì bóng đá Việt Nam bị đi xuống, không phát triển được".
Tất cả đều chung tay vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, nếu VPF bị đánh giá yếu kém, khiến bóng đá nước nhà đi xuống thì mang đến nỗi lo quá lớn và cần phải nhanh chóng giải quyết sự việc này.