Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 14/04/2025 09:33 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT cảnh báo thủ đoạn giả mạo học bổng tiếng Anh để lừa đảo

Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát đi cảnh báo về việc xuất hiện nhiều thông tin giả mạo trên mạng xã hội liên quan đến các chương trình học bổng tiếng Anh.

Bộ khẳng định không triển khai bất kỳ "quỹ học bổng tiếng Anh" nào với nội dung hỗ trợ tới 80% học phí cho các khóa học IELTS, TOEIC, hay giao tiếp như các bài viết đang lan truyền.

Cụ thể, nhiều tài khoản mạng xã hội đã đăng tải các thông báo mạo danh Bộ GD&ĐT, cho rằng chương trình học bổng này nhằm mục tiêu thúc đẩy đề án quốc tế hóa giáo dục tại Việt Nam. Những bài viết này còn nhấn mạnh sự phối hợp giữa Bộ và các đơn vị tài trợ như Viện đào tạo Anh ngữ Đại học DePaul (Mỹ), Đại học Aberystwyth (Vương quốc Anh), Đại học Flinders (Úc)... cùng với sự đồng hành của nhiều cơ quan báo chí.

Bộ GD&ĐT cảnh báo thủ đoạn giả mạo học bổng tiếng Anh để lừa đảo Ảnh 1
Bộ GD&ĐT cảnh báo thủ đoạn giả mạo học bổng tiếng Anh để lừa đảo Ảnh 2
Các bài viết thông báo giả mạo Bộ GD&ĐT lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Bộ GD&ĐT
Các bài viết thông báo giả mạo Bộ GD&ĐT lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Nguy hiểm hơn, các thông tin giả mạo còn dẫn người đọc tới các đường link yêu cầu đăng nhập và cung cấp thông tin cá nhân để “xét duyệt học bổng”.

Bộ GD&ĐT khẳng định các thông tin nói trên là hoàn toàn sai sự thật. Bộ không tổ chức, không phối hợp triển khai bất kỳ chương trình nào như vậy, đồng thời khuyến nghị người dân, phụ huynh và học sinh chỉ nên tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thức của Bộ như Cổng thông tin điện tử hoặc Fanpage.

Trước đó, vào tháng 1/2025, Bộ GD&ĐT cũng từng lên tiếng cảnh báo về một văn bản giả mạo có sử dụng con dấu và chữ ký của lãnh đạo Bộ, nhằm lừa đảo học bổng đại học. Văn bản này tuyên bố Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ xét cấp 5 suất học bổng trị giá 30.000 USD/suất, kèm yêu cầu sinh viên nộp các loại giấy tờ tài chính, sao kê ngân hàng và chứng nhận tài sản.

Không chỉ riêng vụ việc này, nhiều trường đại học như Kinh tế Quốc dân, Bách khoa Hà Nội, Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM, Đại học Ngoại thương, Đại học FPT… cũng liên tục cảnh báo sinh viên về các chiêu trò lừa đảo tinh vi. Những hình thức phổ biến bao gồm thông báo trúng tuyển học bổng, mời tham gia chương trình giao lưu quốc tế… nhưng đều yêu cầu người tham gia chứng minh tài chính, đôi khi lên tới hàng trăm triệu đồng trong tài khoản.

Các trường khuyến cáo sinh viên cần chủ động bảo vệ bản thân bằng cách cập nhật thông tin từ các kênh chính thức của nhà trường như website, fanpage Facebook hoặc TikTok, đồng thời xác minh kỹ lưỡng trước khi cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hay tài chính nào.

Cùng chuyên mục

Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy chế tuyển sinh đại học 2025: Thí sinh chú ý!
Bộ GD&ĐT đã công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, với nhiều điều chỉnh quan trọng, bao gồm bỏ hình thức xét tuyển sớm, công khai quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển và điều chỉnh về chứng chỉ ngoại ngữ, nhằm tăng cường tính minh bạch và công bằng trong quy trình tuyển sinh.
Lịch nghỉ hè năm 2025 của các địa phương trên cả nước
Năm học 2024-2025 dự kiến kết thúc trước ngày 31/5, học sinh trên cả nước sẽ bắt đầu kỳ nghỉ hè từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, thời gian nghỉ cụ thể có thể khác nhau giữa các địa phương tùy vào kế hoạch riêng của từng tỉnh, thành.

Tin mới

LeadHerShip 2025 - Trao quyền phụ nữ trẻ qua giáo dục thực hành
Trong bối cảnh phụ nữ trẻ đối mặt với nhiều rào cản trên con đường sự nghiệp, dự án LeadHerShip, sáng kiến của Trường Đại học Việt Đức (VGU) với sự đồng hành của Viện Friedrich Naumann (FNF) Việt Nam, đang trở thành điểm sáng trong việc trao quyền và nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ thông qua giáo dục thực hành.