Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 16/05/2023 07:55 (GMT+7)

Bộ GTVT đề xuất hơn 10.300 tỷ đồng mua lại 8 dự án BOT thua lỗ

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn tại 8 dự án BOT hạ tầng giao thông do bộ quản lý.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bố trí 10.340 tỷ đồng mua lại 5 dự án BOT và mua một phần của 3 dự án.

5 dự án được Bộ GTVT đề xuất mua lại gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng; BOT vành đai phía Tây TP Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, TP Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk với 745 tỷ đồng.

Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi Nhà nước bố trí ngân sách mua lại.

3 dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, Nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình, gồm: Dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận;

tm-img-alt
Bộ GTVT đề xuất hơn 10.300 tỷ đồng mua lại 8 dự án BOT thua lỗ (Ảnh: Internet).

Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì, dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm; Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả, dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm.

Với nguồn vốn khoảng 10.340 tỷ đồng để xử lý 8 dự án, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT cân đối nguồn vốn phù hợp báo cáo Chính phủ thông qua.

Theo văn bản, đây là 8 dự án BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ. Có dự án đã thu phí song doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng.

Trước thực tế này, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư về phương án sửa đổi hợp đồng theo hướng: Xóa bỏ trạm thu phí hoặc kéo dài thời gian thu, nhà đầu tư giảm lợi nhuận.

Sau khi đàm phán, có 3 dự án khả thi để tiếp tục thực hiện hợp đồng; 5 dự án còn lại bổ sung vốn Nhà nước nhưng vẫn không khả thi, do đó Nhà nước cần mua lại để chấm dứt hợp đồng.

Trước đó, năm 2022, Bộ GTVT cũng đã có báo cáo trình Chính phủ giải pháp xử lý bất cập tại 8 dự án BOT sau khi đã thống nhất với nhà đầu tư. Nguồn vốn nhà nước dự kiến cần để mua lại các dự án này khi đó được đề xuất là 13.115 tỉ đồng.

8 dự án BOT gặp vướng này đã được "treo" lại 4 - 5 năm nay song vẫn chưa tìm được hướng tháo gỡ triệt để. Theo Bộ GTVT, việc xử lý vướng mắc của dự án BOT vượt quá thẩm quyền của bộ do phải bố trí vốn nhà nước để thay thế quyền thu phí hoặc để thanh toán cho nhà đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Bên cạnh đó, việc xử lý khó khăn, bất cập tại các dự án BOT này cũng ảnh hưởng nhất định với các dự án đang khai thác. Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về mặt nguyên tắc giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT, trong đó có 8 dự án BOT do bộ quản lý.

Cùng chuyên mục

Quy định mới về trạm dừng nghỉ đường bộ
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi QCVN:2012/BGTVT-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ. Trong đó, có nhiều quy định mới về xây dựng trạm dừng nghỉ đường bộ.
Trường hợp không được cải tạo xe cơ giới
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Thông tư 43/2023/TT-BGTVT đã quy định rõ các trường hợp xe cơ giới không được cải tạo, do đó, chủ xe cần nắm được để tránh bị xử phạt hoặc trượt kiểm định.

Tin mới

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; trường hợp cần thiết có thể xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đúng bản chất của hàng hóa, dịch vụ.