Bỏ lỡ cơ hội 'lướt sóng' vì tham lãi đậm, nhà đầu tư này cay đắng chôn vốn vào miếng đất 4 năm vẫn không bán được
Trong đầu tư BĐS, không có điều gì là không thể diễn ra. Khi cơ hội đi qua, không ít nhà đầu tư từ “lướt sóng” trở thành người “ôm đất”, muốn bán cũng không còn dễ dàng.
Chị Th là trường hợp như thế. Cuối năm 2017, chị Th bỏ ra 800 triệu đồng mua mảnh đất tỉnh giáp ranh Tp.HCM. Thời điểm đó, thị trường BĐS khu vực này đang khá tốt. Do dòng vốn không lớn (800 triệu gần như là cả tài sản tích lũy của chị Th thời điểm đó), cho nên chị Th chỉ nghĩ "lướt sóng" tầm 6 tháng để kiếm chênh vài chục đến trăm triệu đồng. Đây cũng là lần đầu tiên chị Th đi đầu tư BĐS.
Tuy nhiên, đến thời điểm 6 tháng, mảnh đất của chị Th tăng giá gần 200 triệu đồng, vượt xa mức lời kì vọng ban đầu của chị Th. Đắn đo vì nghĩ giá lên "ngon" thế có khi để thêm có thể tăng giá gấp đôi giá mua vào. Chị Th báo lại môi giới không bán mà đợi giá tăng thêm.
Bẵng đi một thời gian, đến giữa năm 2019, miếng đất của chị Th lại tiếp tục tăng giá lên gần 400 triệu đồng so với giá mua vào (tức có người hỏi mua giá 1.2 tỉ đồng). Lúc này, môi giới hỏi chị Th có chốt lời không nhưng vì tiếc tiền, nghĩ giá còn lên được hơn 500 triệu đồng, nên chị Th tiếp tục chờ đợi để bán được giá 1.3 tỉ đồng (chị Th nghĩ trong bụng chờ thêm khoảng 2 tháng nữa sẽ được mức giá này, sẽ bán luôn).
Thế nhưng, đến cuối năm 2019, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tại Việt Nam. Thời điểm đó, thị trường BĐS Tp.HCM và các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng, nhà đầu tư gần như "nín thở" theo dõi tình hình dịch bệnh. Lúc này, nền đất 90m2 của chị Th cũng bắt đầu hạ giá. Thời điểm đó, giá nền đất 800 triệu của chị Th chỉ còn 780 triệu. Không đành lòng, chị Th rao bán gấp với giá 820 triệu. Tuy nhiên, 6 tháng rao bán mức giá này, nền đất của chị cũng không ai hỏi mua.
Đến cuối năm 2020, chị Th tiếp tục gửi môi giới khu vực chào giá giá cũ. Khi đó, môi giới BĐS gọi cho chị, nói có khách hỏi mua nền của chị với giá 900 triệu. Mừng khấp khởi, vì nghĩ thị trường đã ổn, giá đất đã tăng. Khi đó, "lòng tham" lợi nhuận trong chị Th lại trỗi dậy một lần nữa. Do là tiền nhàn rỗi (không vay ngân hàng) nên chị Th quyết định không bán với giá 900 triệu mà tiếp tục đợi thêm, nghĩ sẽ chốt được khoản lời như ban đầu là từ 1.2-1.3 tỉ đồng/nền.
Nhưng rõ là, cái gì "quá" cũng không tốt, người tính không bằng trời tính. Covid-19 lại tiếp tục không tha cho chị. Khoảng cuối năm 2020, đầu năm 2021 Covid-19 lại xuất hiện lần nữa. Nền đất của chị Th rao bán nhưng không có người mua.
Hiện tại, chị Th vẫn tiếp tục gửi môi giới rao bán nền đất của mình, nhưng từ thời điểm đầu năm 2021 đến nay, nền đất 90m2 của chị vẫn chưa có chủ.
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, cơ hội đầu tư bất động sản vùng ven nên tính tầm nhìn 3 năm chứ đừng mơ lướt sóng ngắn hạn vài ba tháng. Ông Hiển phân tích, có nhiều yếu tố cần phải thận trọng xem xét khi mua bất động sản vùng ven sau những cú sốc nặng nề của đại dịch.
Để đầu tư nhà đất vùng ven trong giai đoạn sống chung với đại dịch, người mua cần chuẩn bị dòng tiền dài hạn, chọn nơi có tốc độ đô thị hóa tương đối ổn định, ưu tiên những vùng có quy hoạch cảng, phát triển thương mại, khu công nghiệp lớn, kết nối giao thông thuận tiện. Ngoài ra, nếu đã nhắm mục tiêu đầu tư bất động sản vùng ven, đừng chọn những nơi đã tăng giá quá cao vì cơ hội của khu vực từng sốt giá không còn nhiều.
Theo hầu hết các chuyên gia, các nhà đầu tư lướt sóng gần như đã mất hút khỏi đường BĐS, nhất là khi nhiều đợt dịch Covid-19 xảy ra. Hầu hết chiến lược đầu tư ngắn hạn đều bị giáng những đòn nặng nề và đứt gãy dòng tiền trong đợt dịch lần thứ tư.
Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện khó lướt sóng thì nhiều bài học về tham lãi đậm trong đầu tư BĐS cũng đã nêu ra. Như trường hợp của chị Th nêu trên. Đáng nhẽ chị Th có thể lướt sóng và lời 200 triệu đồng trong vòng 6 tháng nhưng vì cứ chờ để có lãi thêm nên thành ra đến nay, chị vừa khó bán vừa không được mức lời như cách đây 4 năm trước.
Theo các chuyên gia, nhiều NĐT không biết nắm bắt cơ hội chốt lời, tham lãi đậm rất có thể mất cả chỉ lẫn chài, nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS nhiều biến động. Cơ hội đã đi qua, thì việc ôm đất, chôn dòng tiền là rất có thể xảy ra.