Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 18/08/2023 15:12 (GMT+7)

Các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non năm học 2023-2024

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non năm học 2023-2024

Ảnh minh họa.

Cụ thể, năm học 2023-2024, giáo dục mầm non thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm:

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí nhà nước về giáo dục mầm non; chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, thực hiện tốt dân chủ cơ sở; tăng cường quản lí, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở khu công nghiệp và nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lí và nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non gắn với công tác rà soát sắp xếp, quy hoạch; tăng cường các giải pháp huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường, lớp mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.

- Đẩy mạnh phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục mầm non, khả năng và nhu cầu của trẻ; tiếp tục thực hiện các chuyên đề, chương trình để đổi mới, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em.

- Bảo đảm các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non: về số lượng giáo viên, bố trí bảo đảm tối thiểu 02 giáo viên/lớp; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ quản lí và giáo viên mầm non, bảo đảm đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non.

- Thực hiện Chủ đề năm học "Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ em làm trung tâm" gắn kết với việc nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025".

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể như: Rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng kiểm định và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách về huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục mầm non theo quy định. Quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại địa phương để giải quyết các vấn đề về trường, lớp mầm non ở các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống bạo hành trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non; chú trọng công tác tự kiểm tra, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn nhằm phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ.

Đổi mới hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Thực hiện tốt công tác y tế trường học theo quy định, bảo đảm 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khoẻ và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới; phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt các biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Thực hiện nghiêm túc công tác nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non: Phối hợp với ngành y tế bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định; số bữa ăn đáp ứng nhu cầu khuyến nghị, phân bố bữa ăn phù hợp với từng độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, thời gian tổ chức ăn cho trẻ thực hiện theo lịch sinh hoạt hằng ngày bảo đảm đúng quy định tại chương trình giáo dục mầm non; không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sự tham gia giám sát của Ban đại diện cha mẹ trẻ em trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm, kịp thời chấn chỉnh, xử lí những sai phạm trong công tác nuôi dưỡng cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Đẩy mạnh giáo dục trẻ kĩ năng thực hành vệ sinh cá nhân, tự phục vụ, tự bảo vệ chăm sóc sức khoẻ; lồng ghép nội dung giáo dục dinh dưỡng, sức khoẻ, phòng, chống tai nạn thương tích trong thực hiện chế độ sinh hoạt hằng ngày phù hợp với điều kiện thực tế; phối hợp chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp đối với trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân - béo phì.

Căn cứ các quy định hiện hành có các giải pháp phù hợp, kịp thời để bảo đảm đủ về số lượng, bố trí bảo đảm tối thiểu 02 giáo viên/lớp, bảo đảm đạt chuẩn về trình độ đào tạo, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng trong tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non.

Chủ động đổi mới phương pháp giáo dục trẻ em, linh hoạt thực hiện các hoạt động giáo dục, điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu, khả năng khác nhau của trẻ em và điều kiện thực tiễn của trường, lớp.

Cùng chuyên mục

Ngành Sư phạm và Y dược dự kiến nâng tiêu chuẩn đầu vào ra sao?
Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025. Trong đó, Bộ điều chỉnh quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Tin mới