Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 21/12/2022 15:54 (GMT+7)

Cách chăm sóc và ăn uống đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn trong mùa Đông

Thời tiết lạnh ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Nếu bệnh nhân ăn uống kém sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, mệt cơ hô hấp gây bùng phát đợt cấp. Vậy người bệnh cần chú ý bảo vệ sức khỏe và ăn uống thế nào?...

1. Vì sao bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ bùng phát vào mùa lạnh?

Theo các chuyên gia y tế, vào mùa Đông, nhiệt độ môi trường xuống thấp, không khí khô hanh cộng với bụi bẩn nhiều nên dễ gây viêm đường hô hấp, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trời lạnh và khô cũng làm cho các loại bụi bẩn phát tán nhiều hơn. Trong các loại bụi bẩn này có các thành phần như nitrogen dioxide (NO2); sulphur dioxide (SO2); ozone (O3); các yếu tố trong khói thuốc lá, các phần tử nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ có kích thước rất nhỏ. Khi được hít vào phổi, các yếu tố này gây kích ứng, co thắt, viêm nhiễm và làm tắc nghẽn đường hô hấp và gây nên đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống và các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Nếu bệnh nhân ăn uống kém sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, mệt cơ hô hấp và đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ xảy ra.

Cách chăm sóc và ăn uống đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn trong mùa Đông

2. Cách chăm sóc và ăn uống cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ cơ thể như đi ra ngoài vào ban đêm, ra chỗ có nhiều gió.

Cần điều trị tốt các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, các bệnh phối hợp như tăng huyết áp và những biến chứng của bệnh; tránh căng thẳng tâm lí và gắng sức quá mức…

Theo PGS.TS Vũ Đức Định, nguyên Giảng viên chuyên khoa Tiêu hóa, Học viện Quân y, đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, việc ăn uống sao cho vừa đủ là vấn đề hết sức quan trọng. Nếu ăn thiếu hoặc thừa calo sẽ đều có nguy cơ gây xuất hiện những đợt khó thở cấp.

Do đó, người bệnh cần bảo đảm một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lí với tổng số calo khoảng 1.500 - 2.000/ngày, ăn uống các thức ăn dễ tiêu, giàu vitamin, đạm như rau xanh, thịt, trứng, sữa…

Không nên ăn uống quá nhiều dễ làm tăng CO2 máu, thừa cân, béo phì làm bệnh trầm trọng thêm. Thừa nước cũng làm tăng cung lượng tim, ảnh hưởng tới phổi.

Theo PGS.TS Vũ Đức Định, chế độ ăn uống cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần bảo đảm các nguyên tắc sau:

- Phải ăn uống vừa đủ để bảo đảm một cân nặng lí tưởng, không thừa và cũng không thiếu cân, theo dõi cân nặng thường xuyên. Trung bình, người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần từ 1.800 - 2.200 calo/ngày với thành phần thức ăn cung cấp calo chính là tinh bột (cơm, bánh mì) và protein (thịt, cá, trứng, sữa…).

- Phải uống đủ nước để bù lại lượng nước mất qua hơi thở, mồ hôi và nước tiểu. Vì tình trạng mất nước sẽ ảnh hưởng không tốt tới đường hô hấp.

- Giảm lượng muối trong chế độ ăn. Ăn thừa muối sẽ dẫn đến cơ thể giữ nước lại và việc thừa nước làm tăng công co bóp của cơ tim cũng như có thể ứ đọng nước ở phổi làm suy hô hấp nặng lên. Lượng muối đưa vào cơ thể luôn bảo đảm ở mức dưới 5g (khoảng một thìa cà phê/ngày).

-Tránh ăn quá nhiều tinh bột và các thực phẩm dễ sinh đầy hơi như bắp cải, súp lơ và một số loại gia vị như hạt tiêu, tỏi, ớt... Ăn quá nhiều tinh bột làm tăng sinh CO2 máu và thức ăn dễ sinh hơi gây chướng bụng làm bệnh nhân khó thở và dễ trào ngược, sặc phổi.

- Ăn đủ chất xơ có trong rau xanh, hoa quả tươi để tránh táo bón và cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Táo bón kéo dài sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi, phải gắng sức nhiều khi đại tiện và có thể là nguyên nhân gây tràn khí màng phổi.

- Ăn thức ăn giàu canxi như: Tôm, cua, ốc, cá, sữa… để phòng chống loãng xương. Loãng xương ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguyên nhân là do dùng corticoide kéo dài. Người bệnh có thể uống thêm vitamine D theo chỉ định của bác sĩ.

Cần lưu ý: Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn thức ăn nhẹ, lỏng khi khó thở nhiều, nên chia nhỏ làm 6 - 8 bữa/ngày. Khi ăn nên thở oxy để đỡ suy hô hấp, tránh sặc phổi. Không nên vừa ăn vừa uống nước vì dễ gây hiện tượng nuốt phải khí làm chướng bụng nhiều sau ăn. Ăn miếng nhỏ, nhai chậm và kĩ, không vừa ăn vừa nói chuyện dễ gây sặc, nghẹn.

Có thể dùng liệu pháp vỗ rung làm sạch đờm rãi và sử dụng thuốc giãn phế quản cho người bệnh dễ chịu trước khi ăn. Người bệnh nên ngồi dậy khi ăn và sau đó hãy nghỉ ngơi.

Cùng chuyên mục

“Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa - Bài 2: Nhà thuốc Long Châu bán thuốc kháng sinh trẻ em như rau
Chưa tới ba phút đã có thể mua một hộp thuốc kháng sinh mà không cần toa thuốc, không có sự tư vấn, cảnh báo từ các dược sĩ…thực trạng này đang xảy ra tại hàng loạt nhà thuốc Long Châu. Liên tiếp bị xử phạt về hành vi này nhưng vẫn tiếp tục tái diễn mang dấu hiệu coi thường pháp luật, sức khoẻ người dân.
“Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa
Thực trạng thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh được bán vô tội vạ mà không cần toa đang xảy ra tràn lan tại chuỗi các nhà thuốc lớn tại TP HCM. Liên tiếp bị cơ quan chức năng xử lý nhưng hành vi sai phạm vẫn tiếp tục tái diễn vì chế tài xử phạt nhẹ. Trong khi đó, kháng kháng sinh là nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm.
Thêm một ca tử vong do cúm A/H1 pdm
Ngày 15/11, thông tin từ trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo gửi Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế về ca bệnh tử vong do cúm A/H1 pdm.
TP.HCM: Đề xuất mua bảo hiểm y tế miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS
TP.HCM vừa có dự thảo đề cương chi tiết Nghị quyết về hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng vi rút HIV cho những người này. Nghị quyết dự kiến sẽ được HĐND TP.HCM thông qua vào kỳ họp tới.

Tin mới