Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 25/05/2024 12:22 (GMT+7)

Căng thẳng thi cử: Áp lực vô hình, hệ quả hiện hữu

Mùa hè cũng là giai đoạn nước rút với các sỹ tử trên cả nước. Áp lực thi cử tích tụ nhiều năm đang dần "gặm nhấm" sức khỏe tinh thần của nhiều học sinh.

tm-img-alt

Áp lực đồng trang lứa

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi học sinh, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình học tập và định hướng tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng lớn lao, không ít học sinh phải đối mặt với áp lực đồng trang lứa vô cùng nặng nề, dẫn đến nguy cơ mắc chứng trầm cảm.

Đặc biệt, trước các kỳ thi chuyển cấp quan trọng, áp lực đồng trang lứa càng trở nên dữ dội hơn.

Nhiều bạn trẻ cảm thấy bị đè nặng bởi kỳ vọng của mọi người, lo sợ không đạt được kết quả tốt sẽ khiến bản thân thất vọng và mất mặt trước bạn bè.

Kim Dương (18 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Là một học sinh cuối cấp, em hiểu rõ hơn ai hết những áp lực khổng lồ mà lứa chúng em phải đối mặt, đặc biệt là khi kỳ thi tốt nghiệp đang đến gần".

Mỗi ngày đến trường, Dương đều phải đối mặt với vô số câu hỏi như: "Đi thi thử được bao nhiêu?", "Ôn đến đâu rồi?", "Có chứng chỉ gì chưa?". Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến Dương cảm thấy như những mũi dao găm vào đầu nữ sinh này.

Áp lực ám ảnh sự hoàn hảo

Trong xã hội hiện đại, "hoàn hảo" trở thành thước đo giá trị cho mọi thành công. Áp lực này đặc biệt nặng nề đối với học sinh, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, điển hình là chứng trầm cảm.

Sự kỳ vọng quá cao từ gia đình và nhà trường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến áp lực này. Cha mẹ mong muốn con cái học giỏi, đạt điểm cao, đỗ vào trường danh tiếng, trong khi nhà trường cũng đặt ra những tiêu chuẩn học tập khắt khe. Điều này khiến học sinh luôn cảm thấy mình phải cố gắng hết sức để đáp ứng kỳ vọng, dẫn đến căng thẳng và lo âu.

Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng góp phần gia tăng áp lực hoàn hảo. Trên mạng xã hội, học sinh thường xuyên được tiếp xúc với hình ảnh những người bạn đồng trang lứa đạt được nhiều thành công, có cuộc sống "hoàn hảo", khiến các em cảm thấy tự ti và so sánh bản thân với người khác.

Trong những năm gần đây, việc yêu cầu học sinh lớp 12 sở hữu chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển đại học đang dần trở nên phổ biến. Nhiều trường đại học đã đưa ra quy định bắt buộc hoặc ưu tiên thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh đạt mức điểm nhất định.

Điều này xuất phát từ nhu cầu hội nhập quốc tế và yêu cầu về năng lực ngoại ngữ của sinh viên trong môi trường học tập hiện đại. Tuy nhiên đây lại là nỗi ám ảnh của các bạn chưa có chứng chỉ hay đã có nhưng số điểm chưa vừa ý.

“Lúc nào em cũng cảm thấy tự ti dù kết quả học tập không quá tệ, nhưng số điểm IELTS 6.5 thật sự làm mình thất vọng. Áp lực học tập ngày càng tăng cao, cộng thêm sự so sánh bản thân với bạn bè khiến em không ngừng tự trách bản thân", Nhật Anh, một nam sinh lớp 12 từ Lào Cai chia sẻ.

Nhật Anh thừa nhận bản thân có những dấu hiệu của trầm cảm khi thường xuyên mất ngủ, mỗi sáng tỉnh dậy cảm thấy kiệt sức và dần cô lập với mọi người.

Trường hợp mắc chứng rối loạn lo âu của Nhật Anh cũng là chứng bệnh của rất nhiều thiếu niên.

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số, trong đó, nhóm tuổi từ 18 - 29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%).

Đặc biệt, theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ học sinh bị trầm cảm trong mùa thi tăng cao, chiếm tới 20-30% số học sinh tham gia thi.

Cần chú trọng tham vấn tâm lý học đường

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 31/2017- BGDĐT về thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho các trường học. Nhiều vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, trầm cảm, các vấn đề về sức khỏe tinh thần, tâm lý học đường chưa được hỗ trợ đúng quy trình, chưa đảm bảo đúng yêu cầu.

Việc quan tâm nghiên cứu và tư vấn hỗ trợ tâm lý học đường đang đặt ra cấp thiết không chỉ đối với ngành Giáo dục và Đào tạo mà còn là trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội.

Theo Phó Viện trưởng Viện Tâm lý học, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Hoa, công tác tham vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên trong trường học được các cơ quan quản lý và xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều học sinh phổ thông gặp những vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu, rối loạn hành vi… nhưng chưa được hỗ trợ, tư vấn kịp thời và thỏa đáng.

Không chỉ học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên gặp những khó khăn tâm lý nhất định như áp lực, kiệt sức nghề nghiệp… nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, hoạt động hỗ trợ tâm lý trong trường học cần được ngày càng chú trọng, nhất là các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng và xã hội về những vấn đề tâm lý trong trường học.

Chia sẻ về thực trạng rối nhiễu tâm lý ở học sinh cấp trung học cơ sở, Tiến sỹ Hoàng Thế Hải, Trường Đại học Sư phạm Đại học Đà Nẵng cho rằng, có sự khác biệt về mức độ rối nhiễu tâm lý giữa các học sinh có học lực khác nhau.

Cụ thể, học sinh trung bình có mức độ rối nhiễu tâm lý cao hơn so với học sinh yếu. Học sinh có học lực khá và giỏi có mức độ rối nhiễu tâm lý thấp hơn so với học sinh trung bình.

Do đó, Tiến sỹ Hoàng Thế Hải nhận định, học sinh trung bình có khả năng chịu ảnh hưởng của các yếu tố gây rối nhiễu tâm lý nhiều hơn so với học sinh yếu. Học sinh có học lực cao có khả năng ổn định tâm lý tốt hơn và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây rối nhiễu.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...