Cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6
Các nhà khoa học cảnh báo thế giới có nguy cơ đối mặt với giai đoạn đầu của cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6, khiến toàn bộ các loài trên Trái Đất đều bị xóa sổ.
Cảnh báo này được đưa ra trong nghiên cứu công bố ngày 18/9 trên Tạp chí khoa học Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Nghiên cứu chủ yếu dựa trên các loài mà Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa vào danh sách tuyệt chủng. Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu động vật có xương sống (ngoại trừ các loài cá) do có sẵn nhiều dữ liệu hơn so với các loài khác.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng 73 trong số khoảng 5.400 chi (gồm 34.600 loài) đã tuyệt chủng trong 500 năm qua. Phần lớn trong số 73 chi này đã tuyệt chủng trong hai thế kỷ qua.
Sau đó, các nhà khoa học so sánh kết quả này với tốc độ tuyệt chủng được ước tính đối với các mẫu hóa thạch cách đây hàng triệu năm. Sự so sánh cho thấy tốc độ tuyệt chủng đã diễn ra nhanh hơn.
Nói cách khác, đáng lẽ sẽ phải mất 18.000 năm, chứ không phải 500 năm, để dẫn đến sự tuyệt chủng của 73 chi nói trên.
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng những ước tính nói trên có thể chưa chắc chắn vì một số loài vẫn chưa được xác định rõ và dữ liệu về các mẫu hóa thạch chưa được hoàn thiện.
Giải thích về tốc độ tuyệt chủng như hiện nay, nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính là do các hoạt động của con người, như phá hủy môi trường sống để lấy đất canh tác hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như săn bắn và đánh bắt cá quá mức…
Bày tỏ quan ngại về tương lai của loài người, giáo sư Gerardo Ceballos thuộc Đại học Tự trị Quốc gia Mexico, nhận định cuộc khủng hoảng do đợt tuyệt chủng này gây ra sẽ tồi tệ như cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây ra.
Điều đáng chú ý là nghiên cứu trên không chỉ đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của một loài mà xem xét nguy cơ này đối với toàn bộ các chi.
Mặc dù không phải là thành viên nhưng nhà nghiên cứu về sinh vật học Robert Cowie thuộc Đại học Hawaii đánh giá công trình nghiên cứu trên có ý nghĩa to lớn vì đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên đánh giá tốc độ tuyệt chủng ở cấp độ cao hơn loài.
Theo ông Cowie, nghiên cứu này tạo nên viễn cảnh trong tương lai, trong đó toàn bộ sự sống sẽ biến mất hoàn toàn, giống như sự mất đi toàn bộ “nhánh” của “cây sự sống." Đây là hình ảnh ẩn dụ mà nhà bác học người Anh Charles Darwin đưa ra để trình bày thuyết tiến hóa của mình.
Mô hình “cây sự sống” chỉ ra mối quan hệ giữa các loài thực vật, động vật và vi khuẩn, đang sống và đã tuyệt chủng, trong thế giới sống của loài người.
Giáo sư Ceballos tiếp tục nhận định rằng sự biến mất của một chi có thể gây ra những hậu quả khác nhau đối với toàn bộ hệ sinh thái. Giáo sư bày tỏ quan ngại rằng sự tuyệt chủng của các loài sinh vật sống trên Trái Đất cũng là chỉ dấu của sự sụp đổ của nền văn minh.
Các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng tốc độ tuyệt chủng hiện nay đang phát đi tiếng chuông cảnh báo. Tuy nhiên, liệu điều này có là chỉ dấu của giai đoạn đầu của cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 hay không thì vẫn còn là vấn đề cần nghiên cứu thêm.
Nhìn chung, các nhà khoa học định nghĩa một cuộc đại tuyệt chủng xảy ra khi 75% loài trên Trái Đất biến mất trong một thời gian rất ngắn. Theo nhà nghiên cứu Cowie, nếu dựa trên định nghĩa trên thì đợt đại tuyệt chủng lần thứ 6 vẫn chưa xảy ra.
Tuy nhiên, ông Cowie cảnh báo với tốc độ tuyệt chủng hiện nay hoặc nhanh hơn, các loài sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ và đợt đại tuyệt chủng thứ 6 sẽ xảy ra.