Canh khổ qua - món ăn đặc trưng ngày Tết của người Nam Bộ
Người Nam Bộ chọn trái khổ qua nấu thành bát canh cuối năm một phần cũng xuất phát từ tên gọi của nó, với kỳ vọng về mọi khó khăn, vất vả sẽ qua hết
Mỗi buổi sáng và chiều các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết (một số nơi tới mùng 4 Tết), người Nam Bộ thường làm cơm cúng tổ tiên. Mâm cơm có thể thêm bớt bất kỳ món gì, nhưng nhất định phải có thịt heo kho hột vịt (trứng vịt) và canh khổ qua (mướp đắng).
Ở Nam Bộ, Tết là thời điểm trái khổ qua có thị trường tiêu thụ mạnh và giá cả cũng tăng cao hơn. nhờ đặc tính giống loài, việc trồng khổ qua không hề… khổ chút nào, trái lại rất dễ dàng từ khâu gieo hạt, chăm sóc đến thu hoạch. Vậy nên dù thuộc loại có vị đắng nhất nhì trong các loại quả, nó vẫn luôn chiếm được cảm tình của mọi người.
Trong những ngày đầu năm mới, người dân Nam bộ thường chọn nấu món canh khổ qua với mong muốn mọi điều “khổ”, mọi vận hạn xui rủi, mọi điều chưa được may mắn, mọi vất vả gian lao sẽ qua đi. Như vậy, năm mới sẽ khởi đầu với những điều tốt lành nhất, hạnh phúc nhất, mọi thứ đều suôn sẻ, thuận lợi. Mang cái tên đầy ý nghĩa, loại quả này đã được trân quý đem dâng lên cùng mâm cơm cúng tổ tiên vào ngày 30 Tết.
Trái khổ qua không chỉ là món ăn của sự may mắn, mà ở một số vùng quê miền Tây Nam bộ, nó đã đi vào thơ ca dân gian như một minh chứng cho sự thủy chung: “Dây khổ qua bông vàng nhụy trắng/ Trái khổ qua tuy đắng nhưng đượm tình”.
Khổ qua để nấu canh phải là những trái có màu xanh đậm, suôn dài dễ nhồi thịt. Khổ qua để nguyên trái, vạt chéo một đầu rồi dùng muỗng lấy hết phần hạt và ruột bên trong, sau đó cho vào nước ngâm thật sạch, vừa giảm được độ đắng của khổ qua.
Nhân khổ qua khá đa dạng, có thể được chế biến từ cá thát lát, tôm… Tuy nhiên món ăn ngon được nhiều người yêu thích và hợp vị nhất vẫn là khổ qua nhồi thịt bằm. Thịt được trộn lẫn cùng mộc nhĩ thái nhỏ, bún khô (ở một số nơi người ta có thể thay thế bằng miến), hành củ thái nhỏ. Để có hương vị đậm đà, nhân được tẩm ướp cùng nước mắm, hạt nêm và một ít tiêu.
Đặc trưng của loại quả này là có vị đắng hậu ngọt tự nhiên. Mà vị đắng hòa với ngọt sẽ làm cho vị càng thêm đắng nên trong khi chế biến tuyệt nhiên không dùng đường. Phần nguyên liệu được tẩm ướp khoảng chừng 10 -15 phút để thấm gia vị. Khổ qua muốn đẹp mắt đòi hỏi người dồn thịt phải thật khéo léo, lượng nhân vừa đủ. Nếu cho ít, nhân sẽ bị vỡ, còn cho quá nhiều sẽ làm cho quả bị nứt vỏ.
Một trong những bí quyết để có món canh khổ qua đậm đà hương vị, đó là nhờ phần nước nấu. Nhiều gia đình thường sử dụng nước dừa xiêm, mà dừa cũng phải biết lựa trái không được quá già, vì già sẽ có mùi dầu làm biến đổi hương vị món ăn. Khi nấu thì phải đợi cho nước sôi già mới thả khổ qua vào, chú ý canh lửa và canh thời gian, sao cho khổ qua chín có độ mềm vừa phải, có vậy mới đảm bảo giữ được mùi thơm hương vị.
Mặc dù là món ăn thường ngày khá quen thuộc với nhiều người, nhiều gia đình trên khắp cả nước, tuy nhiên khi xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam, thì món canh khổ qua lại trở nên ý nghĩa vô cùng. Nếu coi ẩm thực là một bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc, thì trong mâm cơm ngày Tết của người dân Nam bộ, món khổ qua là một nét chấm phá nổi bật.
Món ăn truyền thống này đã tạo nên phong vị đặc trưng về văn hóa ẩm thực rất riêng, không thể nào nhầm lẫn với vùng miền nào khác. Hương vị khổ qua vì thế đã mang vị ngọt ngào mà mỗi gia đình Nam bộ đều không thể thiếu.