Cảnh sát cơ động Công an An Giang sát cánh cùng đồng đội nơi tuyến đầu
Lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh An Giang với tâm thế là những chiến sĩ trên tuyến đầu đang dốc toàn tâm lực, trí lực và sức trẻ, kề vai, sát cánh cùng đồng đội, hỗ trợ đắc lực cho Công an toàn tỉnh trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức!
Cùng toàn lực lượng bước vào “chiến trường không tiếng súng” với không ít những thử thách, gian nan, đối diện với thứ “giặc vô hình” đang ngày càng diễn biến nguy hiểm, phức tạp, khó lường mang tên “COVID-19”, từ đầu năm 2021 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát Cơ động đã bố trí gần 100 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặn trên tuyến biên giới, thực hiện song song nhiệm vụ đảm bảo ANTT và phòng, chống dịch COVID-19 với quyết tâm không để dịch bệnh thẩm lậu và lây lan trong cộng đồng.
Trong nội địa, khoảng trung tuần tháng 6, khi xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã kích hoạt hệ thống chống dịch khẩn cấp, thành lập Đại đội truy vết Công an tỉnh gồm 94 đồng chí, trong đó chiếm hơn 50% là cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát Cơ động. Thượng sĩ Nguyễn Văn Tỷ vẫn nhớ như in ngày đầu cùng anh em tham gia lực lượng truy vết, một nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, vì là lính mục tiêu nên phân công gác chốt thì rành sáu câu chứ nghe tới truy vết thì thấy sao mà lạ lẫm! Được cái xuống địa phương anh em đi trước hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình, mình chịu khó học hỏi thì cũng nắm bắt, tiếp cận rất nhanh…
Đôi khi nhiệm vụ cấp thiết, anh em căng sức làm việc từ đầu hôm cho đến rạng sáng hôm sau. Với phương châm hết việc chứ không hết giờ, còn F là còn truy vết, cán bộ chiến sĩ Đại đội truy vết nói chung và lực lượng cơ động nói riêng chẳng ngại hiểm nguy “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, làm mọi cách với quyết tâm bóc tách nhanh nhất F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết, sàng lọc khoanh vùng, dập dịch. Có đồng chí 19 giờ còn ở Thoại Sơn, 22 giờ đã có mặt tại An Phú (cách nhau hơn 100Km) để sẵn sàng nhận nhiệm vụ! Có lẽ vì vậy mà các chiến sĩ được mọi người trìu mến đặt cho cái tên là “Độị quân thần tốc”!
Song song với các hoạt động trên mặt trận chống dịch COVID-19, thời gian qua, Cảnh sát Cơ động còn phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ cùng các lực lượng nghiệp vụ triệt phá thành công rất nhiều chuyên án lớn nhỏ trên địa bàn, góp phần đảm bảo ANTT, nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao từ quần chúng nhân dân. Đơn cử, đã bố trí trên 200 lượt cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ triệt phá đường dây số đề quy mô lớn tại TP Long Xuyên, huyện Châu Thành và huyện Chợ Mới, khám xét khẩn cấp nhiều điểm liên quan đến “trùm” buôn lậu Mười Tường; áp giải và trao trả gần 20 công dân nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; tham gia bảo vệ các phiên tòa xét xử các đối tượng phạm tội “Mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý”…
Đến những nhiệm vụ bất đắc dĩ!
Có dịp xông pha cùng các cán bộ, chiến sĩ dưới cái nắng cháy da, mưa dầm của đợt diễn tập khu vực phòng thủ, nội dung chống biểu tình và bạo loạn chính trị… chứng kiến sự khắt khe về giờ giấc cũng như đòi hỏi cao độ, tính tuyệt đối trong công tác luyện tập, huấn luyện từ người cán bộ chỉ huy đến từng chiến sĩ trẻ mới cảm nhận được rằng, níu giữ được sức trẻ và thanh xuân của các chiến sĩ ấy trong bộ quân phục đậm màu và đôi giầy ghệt nặng nề… chỉ có thể là những trái tim nhiệt huyết, yêu nghề và khát khao cống hiến!
Bên cạnh việc chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy trong khi tác chiến, các chiến sĩ Cảnh sát Cơ động thỉnh thoảng còn góp thêm vào vườn hoa thành tích của Công an tỉnh An Giang với những nhiệm vụ bất đắc dĩ! Đơn cử như Thượng sĩ Nguyễn Trí Toàn trên đường công tác trở về đơn vị bắt gặp cụ già đang loay hoay với đống rác bên vệ đường nhưng không có được một cái khẩu trang che chắn trong mùa dịch. Dừng xe, hỏi thăm và biết được hoàn cảnh cụ neo đơn, tuổi xế chiều còn bươn chải mưu sinh, Thượng sĩ Toàn đã xin phép được đưa cụ về nhà không quên dúi vào túi áo bà ba đã sờn màu của cụ chút tiền và xấp khẩu trang y tế.
Một hành động mang tính nhân văn khác như Thiếu úy Lê Quốc Vương nhanh chóng đưa người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện cấp cứu, kịp thời bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Hay hình ảnh của Thượng sĩ Bùi Dương Quốc Bình nhanh trí dùng phương tiện xe mô tô của mình đâm trực diện vào xe đối tượng để khống chế, bắt giữ, thu lại tang vật là chiếc điện thoại và trao trả cho người phụ nữ trong sự ngỡ ngàng, thán phục của người đi đường… Những nghĩa cử ấy đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh về người chiến sĩ Công an nói chung và chiến sĩ Cảnh sát Cơ động nói riêng trong mắt người dân.
Có dịp tâm sự với Đại úy Nguyễn Trí Thức vào một buổi sáng khi tổ công tác của đồng chí tạm nghỉ ngơi sau giờ truy vết để nghe anh trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề! Đại úy Nguyễn Trí Thức bảo, lính Cơ động lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên ứng trực nên xa nhà là chuyện rất đỗi bình thường chứ không riêng mùa dịch. Nhưng gia đình luôn thấu hiểu, động viên. Hễ ngơi việc là tôi gọi ngay về nhà để nghe vợ báo cáo chuyện “hậu phương”, rồi cậu con hai tuổi bập bẹ qua zalo dặn ba nhớ giữ gìn sức khỏe… Chỉ cần đơn sơ vậy thôi cũng đủ để xua đi bao mệt nhọc, sạc thêm nguồn năng lượng tích cực, động lực yêu thương để người lính cơ động tiếp tục vững chãi bước chân trên những “hành trình” mới!