Châu Âu đề xuất kế hoạch dài hạn cho chính sách mua chung khí đốt
EC muốn lập kế hoạch mua chung khí đốt dài hạn do lo ngại nguy cơ khan hiếm khí đốt nếu một sự cố bất ngờ xảy ra trong tương lai như vụ nổ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 năm ngoái.
Ủy ban Châu Âu (EC) vừa đề xuất thực hiện lâu dài kế hoạch của Liên minh Châu Âu (EU) về mua chung khí đốt nhằm đảm bảo nhu cầu của các nước thành viên cũng như tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Hãng tin Reuters ngày 05/9 dẫn lời các quan chức Châu Âu cho biết đề xuất trên được đưa ra sau khi nhu cầu trên thực tế vượt quá con số ước tính trong cuộc đấu thầu quốc tế đầu tiên mà EU khởi động hôm 10/5 vừa qua.
Các cuộc đấu thầu này thuộc chính sách mua chung khí đốt của EU. Chính sách này là một phần của các biện pháp mà EU thông qua năm 2022 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra khi đó.
Tỉ lệ dự trữ khí đốt của EU tại các cơ sở lưu trữ tự nhiên đã đạt hơn 90% và thị trường tương đối hạ nhiệt. Mặc dù vậy, EU vẫn lo ngại nguy cơ khan hiếm khí đốt nếu một sự cố bất ngờ xảy ra trong tương lai như vụ nổ đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dưới Biển Baltic hồi năm ngoái.
Chính sách mua chung nói trên dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 12 tới. Vì vậy, EC đề xuất đưa chính sách này thành một kế hoạch lâu dài như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cải tổ các quy tắc thị trường khí đốt của EU.
Theo bản đề xuất mà hãng tin Reuters có được, các công ty Châu Âu tham gia mua chung trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, nếu EU gặp phải khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu, việc mua chung sẽ trở thành bắt buộc để tránh tình trạng cạnh tranh giữa các nước EU khi nguồn cung khan hiếm.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết việc mua chung khí đốt đang tiến triển tốt và ngày càng có nhiều công ty tham gia.
Các nhà đàm phán của các nước thành viên EU và Nghị viện Châu Âu sẽ thảo luận đề xuất trên vào cuối tháng Chín này, đặt mục tiêu hoàn thành khung pháp lý vào cuối năm nay.
Việc mua chung chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhu cầu khí đốt khoảng 360 tỉ m3 của EU. Tuy nhiên, chính sách này giúp các nước thành viên có đủ dự trữ để chuẩn bị cho mùa Đông khi nhu cầu của Châu Âu về khí đốt sưởi ấm lên đến đỉnh điểm.
EU đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập từ Nga.