Châu Âu đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng vào mùa hè năm nay
Đây là cảnh báo được các chuyên gia về khí tượng đưa ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến khu vực này trở nên nóng hơn và khô hạn.
Theo kênh CNBC, nghiên cứu vừa được công bố bởi Trường Đại học Graz (Áo), dựa trên dữ liệu vệ tinh từ đầu năm nay, cho thấy hạn hán đang tác động đến châu Âu trên quy mô lớn hơn nhiều so với dự báo cũ.
Nguồn nước ở châu Âu đang ngày càng khan hiếm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hồ chứa ở các nước Địa Trung Hải như Italy đã xuống mức thấp sau các đợt nắng nóng những tuần gần đây, đe dọa đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tình trạng này có thể tồi tệ hơn khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao.
Các hồ chứa ở vùng Địa Trung Hải như tại Ý đã giảm xuống mực nước thấp tương đương các đợt nắng nóng giữa mùa hè. Tình trạng này có thể tồi tệ hơn khi nhiệt độ tiếp tục tăng cao. Trước đó, nhóm nghiên cứu khác của Liên minh châu Âu (EU) từng xác định châu lục này đã trải qua mùa hè nóng nhất vào năm 2022, với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua.
Theo nhóm từ Trường Đại học Graz, hạn hán nghiêm trọng đã hoành hành ở châu Âu kể từ năm 2018 và tác động rõ ràng hơn vào năm ngoái khi mực nước thấp tàn phá quá trình sản xuất năng lượng và lương thực, khiến nhiều loài thủy sinh mất môi trường sống.
"Một vài năm trước, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng nước sẽ là một vấn đề ở châu Âu, đặc biệt với Đức hoặc Áo" - tác giả chính Torsten Mayer-Gürr nhìn nhận. Dữ liệu mới nhất cho thấy các điều kiện dẫn đến cảnh báo hạn hán xuất hiện ở hơn 1/4 trong số 27 quốc gia EU, trong khi 8% các khu vực đã ở trong tình trạng cảnh báo hạn hán.
Phó Giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus Samantha Burgess cho rằng mùa hè này với phần lớn châu Âu không đáng sợ như 1 tháng trước, bởi mưa lớn đã đổ xuống miền Nam châu lục trong các tuần gần đây giúp bổ sung hồ chứa, cải thiện độ ẩm đất. Tuy vậy, phần lớn Bắc Âu và Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha ở phía Nam vẫn đang khá khô hạn.
Mực nước sông thấp kỷ lục dự kiến sẽ gây thiệt hại hàng tỷ USD do việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy bị tắc nghẽn, nó cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất điện, làm tăng thêm tình trạng thiếu năng lượng, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.
Những người nông dân lo ngại mùa màng thất bát. Dự báo sản lượng ngũ cốc, ngô, đậu nành và hạt hướng dương của EU năm nay sẽ thấp hơn 10% so với mức trung bình 5 năm qua.