Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 08/11/2019 08:47 (GMT+7)

Chi cục THADS Thanh Hà có làm sai quy trình?: Lộ rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật

Sau bài viết về những bất thường của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Hà trong việc thi hành theo bản án số 02/2018/DS-ST ngày 17/4/2018, ngày 5/11, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương đã phản hồi gửi cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Đăng Tuấn - Cục trưởng cho biết, cơ quan thi hành án huyện Thanh Hà đã làm rất chặt chẽ, đúng quy trình. Tuy nhiên, với những tài liệu được cung cấp, Chi cục Thi hành án dân sự (CCTHADS) huyện Thanh Hà đang lộ rõ nhiều điểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm.

Biên bản kê biên tài sản không có chữ ký của người phải thi hành án.

Sai chồng sai?

Ông Hoàng Văn Vinh, bà Nguyễn Thị Minh Khánh (xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) hiện sử dụng 2 phần đất sát cạnh nhau gồm:

1. Phần diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ) số BK85069, số vào sổ cấp giấy chứng nhận CH00001 do UBND huyện Thanh Hà  cấp ngày 14/1/2013 mang tên ông Hoàng Văn Vinh bà Nguyễn Thị Minh Khánh tại địa chỉ thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, diện tích 55,7m2. 

2. Phần diện tích đất lưu không đường giao thông có diện tích 50m2, thuộc quản lý của UBND xã Tân Việt,  ông Vinh bà Khánh đã xây nhà ở từ năm 1998.

Theo các quyết định nêu trên, ông Vinh bà Khánh phải thi hành án và buộc phải giao phần đất và tài sản gắn liền với đất của phần diện tích đã được cấp sổ đỏ là 55,7m2 cho cơ quan thi hành án thực thi nhiệm vụ. Thế nhưng,  ngay từ khi bắt tay vào thi hành án, Chi cục THADS huyện Thanh Hà đã lộ rõ những bất cẩn không đáng có của cơ quan thực thi pháp luật khiến vụ án trở nên phức tạp, kéo dài và rắc rối.

Cụ thể, khi Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà thụ lý vụ án tranh chấp quyền sở hữu thửa đất 55,7m2 đã được cấp sổ đỏ giữa bà Hoàng Thu Hường và vợ chồng ông Vinh bà Khánh thì Chấp hành viên Vũ Công An vẫn vô tư cho kê biên tài sản và bán đấu giá tài sản này - chính là gia tăng thêm những tình tiết mâu thuẫn khác cho vụ án. CCTHADS huyện Thanh Hà buộc phải hoãn thi hành án, chờ Tòa án xét xử tranh chấp tài sản, còn người trúng đấu giá đã nộp tiền nhưng gần 1 năm sau vẫn chưa được giao tài sản, thiệt hại như nào còn chưa bàn tới.

Trong Kết luận số 09/KLTTr - STP ngày 03/01/2019 của Sở Tư pháp cũng đã đánh giá về Chi cục THADS huyện Thanh Hà như sau: "Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế  để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì chấp hành viên phải thông báo cho đương sự người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết;  hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà người có tranh chấp không khởi kiện tại tòa án thì chấp hành viên mới được xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật. 

Trong trường hợp này, mặc dù có tranh chấp và được khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền và chưa hết thời hạn theo quy định của pháp luật nhưng Chi cục Thi hành án huyện Thanh Hà vẫn tiến hành ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản là không đúng quy định của pháp luật. Việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Hà ban hành các quyết định hoãn thi hành án căn cứ Thông báo về việc thụ lý vụ án số 19/2018/TB-TLVA nêu trên được khẳng định rằng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Hà tổ chức xác minh chưa đầy đủ, chưa xác định rõ cơ sở pháp lý đối với tài sản của người phải thi hành án và căn cứ pháp lý đối với tài sản do cưỡng chế được bán đấu giá theo quy định của pháp luật".

Những sai phạm này lẽ ra phải được xử lý nhưng Chi cục THADS huyện Thanh Hà vẫn tiếp tục cho chấp hành viên Vũ Công An - người đã ban hành nhiều văn bản trái luật tiếp tục vụ án. Không có gì để nói nếu như việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá giống với kê biên. Trên thực tế, ngoài phần đất và tài sản gắn liền với thửa đất đã được cấp sổ đỏ, Chi cục THADS huyện Thanh Hà còn giao cả phần công trình xây dựng trên đất lưu không và giao cả phần đất công (diện tích 50m2) cho người mua được tài sản bán  đấu giá.

Theo "Biên bản về việc kê biên, xử lý tài sản" chấp hành viên Vũ Công An lập ngày 22/8/2018 có chữ ký của đại diện một số phòng ban của huyện và xã, nhưng không có chữ ký của người phải thi hành án là ông Vinh bà Khánh. Cũng dễ hiểu vì đây là cuộc cưỡng chế kê biên, nhưng khi kê biên thêm phần tài sản khá lớn là "toàn bộ diện tích công trình xây dựng nằm trên đất lưu không có diện tích 100,05m2, giá trị ước tính gần 78 triệu đồng", vợ chồng ông Vinh bà Khánh không được biết. Mãi đến khi có quyết định giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá có phần tài sản này ông Vinh bà Khánh mới biết và khiếu nại lên các cơ quan chức năng.

Vậy là trong quá trình kê biên, chấp hành viên lại bỏ qua một bước xác định quyền sở hữu tài sản mà chủ quan nhìn nhận cho rằng đó là tài sản của ông Vinh bà Khánh, trong khi tài sản lại nằm trên đất công do nhà nước quản lý, cũng không hề thỏa thuận với người phải thi hành án, và  rồi đem bán đấu giá cả tài sản chưa rõ nguồn gốc này. Bất thường hơn nữa, theo thông tin  người phát ngôn của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương, phần đất lưu không do nhà nước quản lý (diện tích 50m2) cũng được giao luôn cho người mua được tài sản bán đấu giá tạm thời quản lý, bảo vệ, sử dụng, chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Làm như vậy có đúng luật?

Thắc mắc về những bất thường trong việc thực thi nhiệm vụ của Chi cục THADS huyện Thanh Hà, ông Nguyễn Đăng Tuấn vẫn khẳng định Chi cục làm đúng, công trình trên đất lưu không là tài sản liền một khối với công trình trên đất đã cấp sổ đỏ, chấp hành viên có quyền kê biên. Quyết định kê biên chỉ nói chung chung, không thể thông báo hết các tài sản trên diện tích bị kê biên được vì nó còn nhiều loại tài sản khác.

Nhưng khi phóng viên đặt câu hỏi: Nếu phần tài sản trên đất lưu không có sự tranh chấp về quyền sở hữu thì bên Cục sẽ xử lý như thế nào?  Ông Tuấn nói, nếu tòa án thụ lý, thì cơ quan thi hành án lại xem xét lại và hoãn thi hành án chờ phán quyết của Tòa án.

Như vậy, ngay trong cách trả lời báo chí của Cục trưởng Cục Thi hành án cũng nhằm khẳng định về sự lỏng lẻo trong khi kê biên tài sản của chấp hành viên là không xác minh đầy đủ quyền sở hữu của tài sản. Và nếu nguy cơ xảy ra tranh chấp, việc thi hành án lại bị lui lại một khoảng thời gian không hề ngắn, vụ việc sẽ lặp lại sai phạm tương tự giống như trong kết luận thanh tra số 09 đã nêu trên?

Có bán đấu giá cả đất công?

Theo "Quyết định về việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá" số 01/QĐ-CCTHADS ngày 16/10/2019, tổng giá trị tài sản cơ quan thi hành án giao cho người mua được tài sản bán đấu giá là 1.326.050.000 đồng (một tỷ ba trăm hai mươi sáu triệu không trăm năm mươi nghìn đồng), bao gồm cả phần diện tích (100,05 m2) công trình phụ trợ trên đất lưu không. Nhưng theo Biên bản kê biên tài sản, tổng số những tài sản đó theo ước tính của đoàn kê biên là 786.357.289 đồng (bảy trăm tám mươi sáu triệu ba trăm năm mươi bảy nghìn hai trăm tám mươi chín đồng). Làm phép tính cho thấy còn khoảng hơn 500 triệu đồng, cơ quan thi hành án đã bán thêm tài sản gì để được số tiền đó?  

Một nghịch lý là khi phóng viên về làm việc và có đặt lịch từ nhiều ngày trước, nhưng đến ngày làm việc chính thức, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương lại không cung cấp biên bản bán đấu giá tài sản, mặc dù phóng viên đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Liệu có phải cơ quan thi hành án đã bán đấu giá cả phần đất công nên cố tình giấu tài liệu?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...