Chị dâu đuổi mẹ tôi đi vì lỡ làm cháu nội ngã, 1 tháng sau chị khóc lóc hối hận
Nhìn mẹ chồng và con dâu ôm nhau khóc mà tôi cũng không cầm được nước mắt. Cuối cùng mâu thuẫn của mẹ chồng và chị dâu cũng được hóa giải.
Năm trước, bà ngoại đang trông coi con cho tôi thì anh trai gọi đến phục vụ vợ con anh ấy. Mẹ bảo chăm sóc cháu ngoại 4 năm nay, đã đến lúc phải trông nom cháu nội, không chị dâu coi thường.
Cùng cảnh làm dâu nên tôi rất hiểu những lời mẹ nói và ủng hộ quyết định của mẹ. Sau khi mẹ đi, vợ chồng tôi phải chật vật tìm kiếm người giúp việc.
Thỉnh thoảng có chuyện gì buồn, mẹ lại gọi điện kể cho con gái nghe để bớt nặng lòng. Mẹ thường phàn nàn:
“Chị dâu con khó tính lắm và khá độc nữa. Chị ấy thường mua trái cây đắt tiền hay bánh kẹo ngon nhưng chỉ ngồi ăn 1 mình không bao giờ mời mẹ. Thỉnh thoảng anh con đưa mời mẹ mới dám ăn.
Mỗi khi mẹ làm cái gì không vừa mắt hay nấu ăn không vừa khẩu vị là bị con dâu ca thán chê trách cả buổi. Không muốn con trai khó xử nên mẹ toàn im lặng cho gia đình yên ổn”.
Tôi sợ mẹ cứ chịu đựng những ấm ức trong người, lâu ngày sinh bệnh thì khổ. Thế nên khuyên bà ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với chị dâu 1 lần, mẹ đến giúp đỡ con cháu chứ không phải là giúp việc. Nhưng tính bà hiền lành, quen nhẫn nhịn, lúc nào cũng chỉ nghĩ cho con cháu nên im lặng để chị dâu đày đọa mỗi ngày.
1 tháng trước, lúc bà bế cháu đi tắm không may cả 2 trượt xuống sàn nhà. Hậu quả là mẹ tôi bị rạn xương ở khớp tay, còn cháu bị sưng u trán. Mẹ kể:
“Đi làm về, chị dâu con thấy cháu bị u trán đã khóc ầm ĩ và mắng mẹ tới tấp tấp. Bà làm cái gì mà để con tôi thế này. Bà chẳng được tích sự gì, tốt nhất về quê cho được việc, tôi không cần bà ở lại nữa. Trong đời này, có lẽ đây là lần đầu tiên mẹ bị mắng nhục nhã thế. Mẹ cũng bị đau mà con dâu không hỏi han lấy 1 câu, chỉ đến khi con trai về thì mới đưa mẹ đi khám”.
Sau đó công việc của chị dâu ít và ở nhà chăm sóc con 1 thời gian. Còn mẹ bị anh chị đuổi đi, quay về sống với vợ chồng tôi.
Ngày hôm kia, anh tôi gọi điện báo tin là cháu đang cấp cứu trong bệnh viện. Anh ấm ức nói:
“Vợ ở nhà mải mê xem điện thoại, nhà cửa bừa bộn không chịu thu dọn, đồ đạc làm đâu vứt đó. Nhiều lần con nhắc nhở rồi mà cô ấy gân cổ lên cãi. Đến khi con bước đi bị trượt chân ngã rơi 2 bậc cầu thang, miệng va vào đồ trên nền nhà và môi bị sứt chảy không biết bao nhiêu máu. Không cẩn thận con sợ bé sẽ mang tật cả đời”.
Hôm qua, cháu xuất viện và chúng tôi đến thăm cháu. Nhìn môi cháu bị khâu chằng chịt mà mẹ tôi không cầm được nước mắt, bà ôm cháu khóc nức nở. Còn chị dâu hối hận nói:
“Tất cả là do lỗi của con, không để mắt đến bé, mải mê xem điện thoại để con bị tật thế này. Lần trước mẹ và cháu cùng bị ngã, thế mà con không quan tâm hỏi han mẹ, chỉ lo cho con mình. Bây giờ con đang phải trả giá cho lỗi lầm đó. Con gây ra tổn thương cho cháu, con mới cảm nhận được sự đau khổ của mẹ từng phải trải qua. Mẹ cho con xin lỗi nha”.
Nhìn mẹ chồng và con dâu ôm nhau khóc mà tôi cũng không cầm được nước mắt. Cuối cùng mâu thuẫn của mẹ chồng và chị dâu cũng được hóa giải.
Chị dâu muốn mẹ tôi quay lại chăm sóc con chị ấy, chị sợ sự bất cẩn của bản thân sẽ làm con chịu nhiều tổn thương hơn. Nhưng mẹ tôi bảo:
“Hiện tại con chưa đi làm, mẹ đến cũng chẳng giúp được gì. Việc bây giờ cần làm là con bớt xem điện thoại lại, thời gian rảnh rỗi dọn dẹp nhà cửa cho ngăn lắp, đừng để nhà trơn trượt đi lại sợ lắm. Khi nào con đi làm thì mẹ sẽ đến trông coi cháu tiếp”.
Thế nhưng chị dâu buồn ra mặt và bảo:
“Sao lúc nào bà cũng chỉ nghĩ đến cháu ngoại, sau này cháu nội mới là người thờ cúng bà đấy”.
Nghe lời nói của chị dâu mà mẹ tôi im lặng ra về. Mẹ bảo cứ tưởng sau lần cháu bị ngã thì chị dâu thay đổi tính nết dễ chịu hơn, nào ngờ bản tính con người mãi không thay đổi, lúc nào cũng chỉ biết nghĩ cho bản thân.