Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2025
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Mới đây, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về giảm thuế GTGT. Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trình ra Quốc hội, chính sách giảm thuế GTGT lần này có phạm vi tương tự như các Nghị quyết đã được ban hành trong 2 năm qua.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đánh giá tác động của việc giảm thuế GTGT, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2025 tương đương khoảng 26,1 nghìn tỉ đồng (khoảng 4,35 nghìn tỉ đồng/tháng). Năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ước khoảng 49 nghìn tỉ đồng.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, việc giảm thuế GTGT tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng cũng có tác dụng kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó lại góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Tờ trình nêu rõ: người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với doanh nghiệp thì việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025.