Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 01/2025
Luật sửa đổi 04 Luật về đầu tư, đấu thầu; danh mục vị trí công tác lĩnh vực giáo dục địa phương định kỳ chuyển đổi; tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp chức danh Lý lịch tư pháp… là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 01/2025.
Luật sửa đổi 04 Luật về đầu tư, đấu thầu có hiệu lực từ 15/01/2025
Ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 (Luật số 57/2024/QH15). Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật sau đây: Luật Quy hoạch 2017; Luật Đầu tư 2020; Luật PPP 2020; Luật Đấu thầu 2023. Đồng thời, bãi bỏ Điều 39 và Điều 40 Luật Thủ đô 2024.
Luật số 57/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 15/01/2025, trừ trường hợp quy định sau đây:
- Việc thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước quy định tại điểm b khoản 12 Điều 3 Luật số 57/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
- Quy định tại điểm a khoản 19 và khoản 20 Điều 1; khoản 2 Điều 2; các điểm b, c và d khoản 11 Điều 2 Luật số 57/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Danh mục vị trí công tác lĩnh vực giáo dục địa phương định kỳ chuyển đổi từ 14/01/2025
Ngày 28/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 19/2024/TT-BGDĐT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại chính quyền địa phương. Theo đó, danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo phải định kỳ chuyển đổi bao gồm:
- Tuyển sinh, đào tạo thuộc các trường công lập.
- Phân bổ chỉ tiêu, quản lý tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; phân bổ chỉ tiêu đào tạo sau đại học và chỉ tiêu đào tạo ở nước ngoài tại các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương.
- Thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
- Thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, tài liệu, giáo trình, giáo cụ giảng dạy, các vật tư kỹ thuật khác phục vụ giảng dạy, nghiên cứu.
- Thẩm định hồ sơ thành lập, cho phép hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lý.
- Quản lý các đề án, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Phân bổ, thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp chức danh Lý lịch tư pháp từ 15/01/2025
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 13/2024/TT-BTP ngày 25/11/2024 quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp. Trong đó, quy định tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp như sau:
- Có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan, tận tụy với công việc; thực hiện đúng quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị.
- Tuân thủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo đúng quy định của pháp luật và quy định của cơ quan, tổ chức.
- Chủ động, sáng tạo đề xuất giải pháp, sáng kiến trong công tác lý lịch tư pháp.
- Tiêu chuẩn khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức ngành tư pháp.
Nội dung kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại từ 15/01/2025
Ngày 29/11/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 51/2024/TT-NHNN quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, nội dung kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định như sau:
- Kiểm toán độc lập báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm kiểm toán: Báo cáo tình hình tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính.
- Thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.