Chủ động ứng phó với một cơn bão mạnh

PV
Chiều 18/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp ứng phó với bão gần Biển Đông với các bộ, ngành liên quan. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp.
anh-dien-bien-bao-1752857922.gif
Tin bão gần Biển Đông (cơn bão Wipha). Nguồn: KTTV

Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, theo dự báo, sáng 19/7, bão sẽ đi vào Biển Đông và ngày 21/7, bão khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Dự báo cơn bão này sẽ gây mưa rất lớn ở khu vực phía Tây Bắc Bộ. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn) theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông tin kịp thời các dự báo, cảnh báo về tình hình bão cũng như các tác động liên quan để cung cấp cho thường trực Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan Thông tấn, báo chí phục vụ sự chỉ đạo, tuyên truyền kịp thời.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phối hợp với các đơn vị liên quan trong bộ, các ngành liên quan, các địa phương dự kiến ảnh hưởng bởi bão, đồng thời cử cán bộ đi xuống các xã để phối hợp công tác ứng phó.

"Thời điểm này đang là dịp nghỉ hè, nhu cầu du lịch trong nước cao, trong đó có cả khách du lịch quốc tế. Do vậy, các đơn vị chức năng cần phải theo dõi sát diễn biến bão để thông tin, phối hợp, hỗ trợ du khách tránh trú an toàn, tránh những sự cố đáng tiếc. Đối với việc nuôi trồng thuỷ sản trên biển, rút kinh nghiệm của bão số 3 (Yagi), ngành chức năng cần vận động người dân "thu tỉa" thủy hải sản để tránh thiệt hại khi xuất hiện gió mạnh trên biển", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.

Đề cập đến vấn đề hồ chứa, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Bộ Công thương, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và các địa phương kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công; sẵn sàng vận hành điều tiết hồ chứa và đảm bảo an toàn hạ du, nhất là các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (hồ Thác Bà gần đạt mực nước phải điều tiết xả lũ).

Với đường đi, tốc độ của bão Wipha như hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, quan ngại nhất là cơn bão này mang "bóng dáng" của bão số 3 hồi tháng 9/2024. Bởi vậy không chủ quan, phải chủ động tâm thế để ứng phó với một cơn bão mạnh.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, cơn bão này nếu đổ bộ vào đất liền nước ta thì lại đúng vào thời điểm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động. Vì vậy, đây cũng là đợt để các địa phương có thể tổ chức ứng trực, tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó với thiên tai.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp trong việc ứng phó với bão.

Khả năng sáng 19/7 bão đi vào Biển Đông

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, hồi 13 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/giờ), giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 30 km/h.

"Đến khoảng sáng 19/7, khả năng bão sẽ đi vào Biển Đông và trở thành bão số 3 trong năm 2025 với cường độ gió mạnh nhất ở khu vực phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Đến khoảng sáng 21/7, bão di chuyển vào vịnh Bắc Bộ với gió mạnh cấp 12, giật cấp 15; khoảng tối đến đêm 21/7, bão có khả năng bắt đầu ảnh hưởng đất liền và gây mưa to đến rất to trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nhận định sơ bộ từ ngày 21 - 24/7, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có lượng mưa từ 200-350 mm, có nơi trên 600 mm. Trường hợp bão lệch hơn lên phía bắc, đi dọc đất liền ven biển Quảng Tây (Trung Quốc) thì những tác động về mưa, gió sẽ giảm hơn", ông Mai Văn Khiêm lưu ý.

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, lượng mưa còn phụ thuộc vào hướng di chuyển của bão số 3. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia sẽ cập nhật cụ thể trong bản tin bão KHẨN CẤP ban hành ngày 20/7.

Chủ động trong chỉ đạo ứng phó với bão

Tại cuộc họp, đại diện Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết, qua kiểm đếm, từ Quảng Ninh - Nghệ An có gần 15.000 tàu đang đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển. Đến thời điểm nay, qua rà soát có 23 khu neo đậu và có thể tổ chức neo đậu được khoảng 17.000 tàu khi bão vào.Cũng qua rà soát, hiện từ Quảng Ninh - Nghệ An, có 150.000 ha nuôi trồng thủy sản, với 20.000 lồng, bè. Để tránh thiệt hại như cơn bão Yagi gây ra, từ nay đến chủ nhật (20/7), tùy theo đường đi, cấp độ của bão, Cục Thủy sản và Kiểm ngư sẽ chỉ đạo, thu hoạch, bán bớt cá, tôm nếu đủ trọng lượng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã chủ động chỉ đạo các đơn vị liên quan, phối hợp với các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống của bão

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công điện số 4498/CĐ-BNNMT ngày 17/7/2025 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đăk Lắk và các Bộ ngành đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.

Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã có Công điện số 2419/CĐ-CHCN ngày 17/7/2025 chỉ đạo các lực lượng quân đội sẵn sàng ứng phó với bão.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 11 giờ ngày 18/7/, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 35.183 phương tiện/147.336 lao động, trong đó 790 phương tiện/4.160 lao động đang hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện hoạt động tại phía Đông Bắc khu vực Bắc biển Đông (khu vực ảnh hưởng của bão).

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có công hàm gửi các nước trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho tàu thuyền vào tránh trú và hỗ trợ khi có tai nạn, sự cố.

Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đăk Lắk chủ động triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão và mưa lũ theo công điện của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (13 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo).

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tăng cường công tác trực ban 24/24h; tham mưu chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão; tổ chức gửi tin nhắn Zalo cảnh báo về áp thấp nhiệt đới, bão và hướng dẫn kỹ năng an toàn cho tàu thuyền trên biển và ứng phó với mưa lũ đến 35 triệu người dùng khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật, phát các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo cho người dân.