Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 06/09/2019 14:10 (GMT+7)

Chú rể ngồi trên xe lăn, câu chuyện tình bây giờ mới kể

Chị cứ chối đây đẩy rằng chuyện của anh chị chẳng có gì mà kể, chuyện cũng đã đi qua mấy chục năm rồi. Nhưng rồi câu chuyện cũng được bắt đầu từ lời kể của anh.

Anh sinh ra ở một làng quê thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. 4 tuổi, anh đã mồ côi mẹ, 2 năm sau lại mồ côi cha. Tuổi thơ anh như con cò, con vạc bơ vơ trên cánh đồng chiều. Năm 1963, như bao chàng trai làng khác, chàng trai Lê Mạnh Tường viết đơn tình nguyện lên đường tòng quân đánh giặc. Anh vào lính trinh sát pháo binh Trung đoàn 174. Đơn vị anh hành quân một mạch từ đất Điện Biên xuống Nghệ An, rồi tắt Trường Sơn sang chiến đấu giúp bạn tại mặt trận Mường Phàn, Thượng Lào. Một năm quần nhau với địch, nhiều phen tưởng như cái chết cầm chắc trong tay, nhờ trời anh vẫn bình yên vô sự.

Rồi một buổi chiều cuối năm, 12 cán bộ chiến đấu trong tiểu đội trinh sát của anh bị dính một dàn mìn của giặc. Sáu quả mìn cùng một lúc nổ tung, tạo tiếng nổ và mức sát thương như một quả bom. Mìn đã làm một chiến sĩ hy sinh tại chỗ còn lại đều bị thương, trong đó Tường là nặng nhất.

Sau lần ấy, chàng thương binh 19 tuổi đã qua nhiều bệnh viện với nhiều lần mổ, nhưng sau bốn mươi năm, mảnh mìn vẫn cứ cư trú trong cột sống của anh đến tận bây giờ. “Thủ phạm” chiến tranh đó đã tước đi một nửa phần cơ thể của anh, dính chặt cuộc đời anh trên giường và trên chiếc xe lăn cùng bao chuyện buồn vui.

Câu chuyện tình giờ mới kể

Khi về khu điều dưỡng thương binh nặng Quang Trung (Thái Bình), chiều chiều anh cùng mấy anh bạn đi xe lăn ra huyện chơi. Hôm đó, cũng vào buổi chiều đầu xuân, trời se se lạnh, mặc thêm một chiếc áo bông bộ đội, “tam mã” nhẹ nhàng lăn xe vào thăm xí nghiệp gạch ngói. Tại đây, rất tình cờ anh đụng đầu với một cô gái dễ thương và rồi từ cái nhìn đầu tiên ấy, họ đã thành chồng, thành vợ.

Đã nhiều năm trôi đi, giờ đây nhớ lại, chị kể, các anh thương binh nặng trên xe là “khách ngoài sân”, vì có mời các anh cũng không vào được. Những ngày đầu, mặc chị Kế toán trưởng nói ra nói vào, chị cũng chẳng tiếp. Những đêm về lòng đã vấn vương. Và chính lúc đó, một mối tình thời con gái lại như sóng dội về.

Là một cô gái khá đẹp nên từ khi học lớp 9, chị đã lọt vào “tầm ngắm” một chàng trai lái xe người làng bên đang công tác trên Hà Nội. Anh chàng ấy si mê theo đuổi chị suốt bảy, tám năm trời khi chị đi học trường kế toán rồi về công tác ở ngành Ngoại thương tỉnh Lai Châu. Lúc đầu thì còn dại khờ nên chị sợ chỉ trốn anh hoài, sau lại ngại ngần đường xa dặm thẳng nên tình cảm của hai người cứ vời vợi theo bao cánh thư tình.

Những năm tháng đó đất nước có chiến tranh, chuyện riêng tư nhiều khi cũng đành gác lại trước công việc, nhiệm vụ được giao. Những tưởng chuyện yêu đương đã tắt theo mối tình đầu ấy, thì đột nhiên cái anh chàng ngồi trên xe lăn có đôi mắt hiền, có nụ cười tươi kia xuất hiện làm cho chị cứ luẩn quẩn, loanh quanh nghĩ ngợi lung tung. Biết đâu, cái tuổi Quý Mùi như các cụ xưa đã tổng kết phải “hai lần đò” nên lần này mới là duyên của chị chăng? Từ hôm đó, chiều nào anh cũng tới, chị chẳng lẩn tránh mãi được.

Qua câu chuyện của anh, chị hiểu thêm những khó khăn trong cuộc sống và sự thèm khát có một có một mái ấm gia đình của những người thương binh nặng. Chị cũng hiểu những mặc cảm, trở lực nặng nề khi họ ngỏ lời cầu hôn với ai. Thương thì thương nhưng nhìn thấy đôi chân teo tóp, khẳng khiu như những cành tre già đặt bất động trên chiếc xe lăn của anh, nghĩ về tương lai của người vợ, chị không khỏi ái ngại, lo lắng cho cuộc sống của mình. Chưa kể đến tác động của bạn bè, gia đình ai cũng thương anh nhưng lại lo cho chị, thương chị.

Thật là ngổn ngang muôn nỗi. Đêm đêm nằm một mình, vắt óc suy nghĩ. Nên hay không? Chị vẫn có thể lấy được người đàn ông lành lặn hơn anh. Duy một điều không thay đổi trong lòng chị, từ khi chị chấp nhận sự tìm hiểu của anh đó là tình thương. Chị thấy những người như anh chiến đấu mang lại yên bình cho đất nước, tự do cho mọi người, nhưng nỗi khổ thương tật lại mình anh gánh chịu. Người con gái nào cũng sợ thì khát vọng mái ấm gia đình của những người như anh chẳng bao giờ thực hiện được. Mưa dầm thấm đất, ngày ngày anh cứ đến nhẹ nhàng, bên chiếc xe lăn còn chị cũng không biết chị đã yêu anh từ lúc nào.

Nghe chị kể lại cái ngày chị đưa anh về ra mắt gia đình, thật có một không hai, cảm động vô cùng. Từ chỗ chị làm về đến quê đường xa xôi, anh không ngồi xe đạp được nên chị đã quyết định lấy dây cao su buộc từ gác ba ga xe đạp của chị vào xe lăn của anh để kéo anh. Trời nắng, chị thì gầy yếu, xe và anh thì nặng. Thế mà hàng chục cây số đường chị vẫn nhũng nhẵng kéo anh. Dọc đường đi, bao người qua lại ai cũng ngoái nhìn với con mắt đầy ái ngại. Những lúc lên dốc cầu, mồ hôi chị thấm trán, mệt muốn đứt hơi. Anh về trình diện đúng vào hôm nhà có giỗ, họ hàng đủ cả.

Cơm nước xong, anh đặt vấn đề với gia đình. Chỉ cần thấy hình ảnh chị kéo anh về nhà ăn giỗ, mọi người đã thấy quyết tâm của chị đến nhường nào.

Năm 1980, anh chị tổ chức đám cưới. Cơ quan hai bên tổ chức hôn lễ rất chu đáo. Chị không bao giờ quên được hình ảnh chú rể ngồi xe lăn ôm bó hoa tặng cô dâu, kéo cô dâu lại gần mình. Giây phút, ấy mấy trăm người dự đám cưới như lặng đi. Nhiều người cảm động rơi nước mắt và từ đôi mắt chị, những giọt nước mắt tự nhiên chảy. Chưa bao giờ chị cảm thấy thương và yêu anh như thế!

Hành trình đi tìm kiếm tiếng cười con trẻ

Kể đến đây, chị bóc cam cho anh, cho tôi. Lúc này nhìn vào khóe mắt anh, tôi thấy có những giọt sáng long lanh. Cưới nhau xong ở khu tập thể, ai cũng phải công nhận chị Vị là người thương, chăm sóc chồng chu đáo nhất. Chị nấu nướng kỹ càng để anh không bị bệnh đường ruột, chị thay đổi món ăn hàng ngày tăng thêm gia vị để anh ăn ngon miệng hơn…

Cùng chuyên mục

Tin mới

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hơn 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được chủ cửa hàng bánh mì thanh toán viện phí
Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cửa hàng bánh mì B. (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) khiến hơn 500 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, ngày 16/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, bước đầu chủ cơ sở bánh mì đã khắc phục hậu quả, thanh toán hơn 580 triệu đồng viện phí cho các bệnh nhân.