Chủ tịch phường Ái Quốc có 'bật đèn xanh' cho công trình xây dựng trên đất nông nghiệp?
Hai công trình “khủng” được xây dựng kiên cố và đưa vào sử dụng trái phép trên đất NN tại khu vực dân cư Tiến Đạt thuộc phường Ái Quốc vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị xử lý, gây bức xúc dư luận.
Hiện nay, trên địa bàn phường Ái Quốc, TP.Hải Dương đang là một “điểm nóng” về xây dựng nhà không phép, trái phép trên đất nông nghiệp. Tại đây, hàng trăm công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp gồm nhà ở, nhà trọ, nhà xưởng và nhiều công trình phụ khác. Điều đáng nói, những công trình này được xây dựng rất kiên cố, có cả những công trình nhà ở cao tầng, nhà ở dạng biệt thự.
Điều đáng nói ở đây, tình trạng xây dựng trái phép này làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, khiến nhiều người bức xúc. Bởi trong số nhiều căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, có những căn là nhà của cán bộ, người thân, anh em, họ hàng cán bộ phường Ái Quốc.
Ngôi nhà 3 tầng xây dựng kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp tại khu dân cư Tiến Đạt, phường Ái Quốc |
Thời gian gần đây, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam liên tục nhận được đơn tố cáo của một số hộ dân sinh sống tại phường Ái Quốc, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương về việc trên địa bàn phường này xuất hiện nhiều công trình xây dựng kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp tại khu vực dân cư Tiến Đạt, Ngọc Trì thuộc phường Ái Quốc. Các công trình sai phạm chỉ cách trụ sở của UBND phường Ái Quốc không xa nhưng không những không bị cơ quan chức năng xử lý mà phường còn “bật đèn xanh” để cho chủ xây dựng công trình nhà trọ trái phép trên đất nông nghiệp để kinh doanh thu lợi bất chính, điều này đã khiến cho người dân vô cùng bức xúc.
Người dân gửi đơn tố cáo, vị trí xây dựng công trình của gia đình ông Hoàng Xuân Nho và gia đình ông Lưu Văn Toàn là khu đất nông nghiệp khu Tiến Đạt, cạnh bờ Sông, thuộc sự quản lý của UBND phường Ái Quốc, không hiểu vì sao 2 gia đình này lại được xây dựng 2 công trình kiên cố và dãy nhà trọ để kinh doanh.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là hộ gia đình ông Hoàng Xuân Nho (khu Tiến Đạt) đã xây 4 dãy nhà trọ với diện tích khoảng hơn 2.000 m2. Thậm chí còn xây trái phép công trình kiên cố 3 tầng rất khang trang trên đất nông nghiệp.
Trường hợp thứ hai là gia đình ông Lưu Văn Toàn, xóm bờ Sông, khu Tiến Đạt xây dựng trái phép ngôi nhà 3 tầng kiên cố và 2 dãy nhà trọ với diện tích khoảng 1.000m2. Đồng thời còn xây lấn cả lối đi bờ Sông của người dân.
Hàng loạt dãy nhà trọ xây trái phép trên đất nông nghiệp tại khu dân cư Tiến Đạt mà không bị cơ quan chức năng phường Ái Quốc xử lý |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn T. người dân sinh sống gần công trình cho biết: “Đầu năm 2019, tại khu dân cư chúng tôi xuất hiện 2 công trình 3 tầng kiên cố và hàng loạt dãy nhà trọ. Công trình này không những không bị cơ quan chức năng xử lý mà sau khi hoàn thành, gia đình ông Nho và ông Toàn sử dụng để kinh doanh nhà trọ. Do quản lý kinh doanh nhà trọ yếu kém nên đã gây mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ở đây chúng tôi chỉ cần xây dựng sai một chút là có cán bộ phường Ái Quốc đến hỏi thăm ngay. Tuy nhiên, các công trình này xây dựng không giấy phép, lại xây trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích mấy nghìn mét như thế này, được đưa vào sử dụng thì người dân chúng tôi có quyền nghi ngờ có sự "chung chi" của lãnh đạo Phường Ái Quốc".
Xung quanh vấn đề này, Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, hành vi xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và bị pháp luật nghiêm cấm. Để xảy ra tình trạng này trước hết thuộc trách nhiệm của UBND phường Ái Quốc. Lãnh đạo phường Ái Quốc không "bật đèn xanh" thì người dân làm sao có thể tự ý xây dựng trái phép như vậy được.
Theo Luật Đất đai năm 2013 quy định, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng tùy mức độ và hành vi vi phạm. Hoặc bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình.
Khoản 3 và Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định hình thức, mức xử phạt đối với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép như sau:
- Chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; b) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta; c) Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Đề nghị UBND TP Hải Dương và các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm những sai phạm về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phường Ái Quốc, có những hình thức kỷ luật nghiêm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan để xảy ra sai phạm trước thời điểm Đại hội Đảng các cấp đang đến gần.
Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin.