Chuyện lạ: Hàng chục nghìn người xếp hàng chờ 'bị nhiễm' virus corona!
Hơn 1/4 trong 30.000 người này hiện ở Brazil, điểm nóng Covid-19 của thế giới.
Khi Gavriel Kleinwaks còn là một đứa trẻ, cô đã bị cuốn hút bởi câu chuyện của nhà virus học và nhà nghiên cứu y khoa Jonas Salk, người đã tiêm thử nghiệm vắc-xin bại liệt tiềm năng cho chính mình cùng vợ con năm 1953. Và loại vắc-xin đó đã hiệu quả.
Còn ở thời điểm hiện tại, Kleinwaks đang đăng ký để tham gia vào một số thử nghiệm khác. Cô sinh viên tại Đại học Colorado này là một trong gần 30.000 tình nguyện viên sẵn sàng phơi nhiễm với virus corona để thử nghiệm một loại vắc-xin tiềm năng ngay khi các nhà nghiên cứu quyết định tiến hành.
Với việc thế giới dường như đang bế tắc trong việc chấm dứt đại dịch, ý tưởng lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm hiện chưa có thuốc chữa triệt để một cách có chủ đích đã tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Những thử nghiệm này có thể giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu bằng cách chủ động để các tình nguyện viên nhiễm virus corona thay vì vô tình phơi nhiễm.
Theo Pascal Soriot, CEO của nhà sản xuất thuốc đang hợp tác với Đại học Oxford để tạo ra vắc-xin ngừa Covid-19, cách tiếp cận gây tranh cãi trên có thể trở nên cần thiết vào thời điểm khi Covid-19 bùng phát ở một số thành phố và khiến việc đánh giá mũi tiêm theo cách thông thường trở nên khó khăn hơn.
Việc thiếu thuốc điều trị để cứu người bị bệnh nặng là một trong những mối lo ngại về đạo đức chính đối với thử nghiệm cho nhiễm bệnh chủ động. Ngoài ra, người ta cũng lo ngại rằng vẫn còn những điều chúng ta chưa biết về SARS-CoV-2, loại virus đã cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu người trong vài tháng.
Kleinwaks nói rằng ban đầu cô khá lo lắng nhưng dần trở nên thoải mái hơn với ý tưởng này sau khi đánh giá rủi ro. Điều thúc đẩy quyết định tình nguyện của cô là mong muốn giúp chấm dứt bùng phát dịch và một bài học Do Thái rằng cứu một mạng sống giống như cứu toàn bộ thế giới.
Cô sinh viên 23 tuổi chia sẻ: "Tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị phơi nhiễm mỗi khi bước ra khỏi nhà. Không ai an toàn tuyệt đối cả".
Dù ý tưởng về thử nghiệm lây nhiễm chủ động đang thu hút đông đảo sự chú ý, Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết cần có đủ sự lây truyền virus tự nhiên ở Mỹ để thực hiện thử nghiệm vào mùa hè này. Cách vắc-xin thường được thử nghiệm là tiêm cho một số lượng lớn người và so sánh tỷ lệ lây nhiễm của họ với những người tình nghiệm chưa được tiêm chủng.
Hơn 1/4 trong 30.000 tình nguyện viên đang ở Brazil, điểm nóng Covid-19 của thế giới. Tuy động lực tham gia không hoàn toàn giống nhau nhưng đa số họ nói rằng muốn đóng góp cho xã hội thông qua hành động của mình.
Gloria Lee, một nghệ sĩ violin, đã đăng ký tham gia sau khi đại dịch buộc các nhà tổ chức phải hủy một số buổi biểu diễn của cô vào đầu tháng 5 tại Đại học New York. Cô cho biết: "Tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì mình có thể làm để trở nên hữu ích. Đây là việc quan trọng nhất tôi nên làm vào lúc này".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thử nghiệm trên có thể giúp việc tiêm ngừa hiệu quả hơn. Những người đề xuất lưu ý rằng phương pháp này đã được sử dụng một cách an toàn cho các bệnh như sốt rét, thương hàn, dịch tả và cúm. Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại và kêu gọi cách tiếp cận thận trọng để tình nguyện viên không gặp rủi ro vô ích.