Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 12/02/2020 07:52 (GMT+7)

Vì sao WHO đặt tên 'COVID-19' cho virus Corona chủng mới?

Ngày 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức đặt tên cho dịch bệnh do virus Corona chủng mới đang lây lan trên toàn cầu là COVID-19. Người đứng đầu WHO - ông Tedros Ghebreyesus cho rằng, tên gọi mới được đưa ra nhằm tránh sự kì thị về nơi bắt nguồn của virus.

Trước đó, WHO đã tạm đặt cho virus mới này cái tên là “bệnh hô hấp cấp 2019-nCoV”. Còn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào cuối tuần trước cho hay, họ tạm gọi bệnh này là “viêm phổi do virus Corona mới”, viết tắt theo tiếng Anh là NCP.

"Chúng ta giờ đây đã có tên gọi cho căn bệnh và tên của nó là COVID-19", người đứng đầu WHO đã nói với các phóng viên tại trụ sở ở Geneva hôm 11/2. Việc đặt tên cho các bệnh do virus gây ra là vấn đề không đơn giản, bởi nó liên quan cả đến khoa học và nơi khởi phát.

Cuộc họp báo của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 11/2 . (Ảnh: Reuters)

Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lý giải về tên gọi mới COVID-19 của virus Corona mới đang khiến hơn 45.000 người nhiễm bệnh trên toàn thế giới và hơn 1.000 tử vong.

Trong đó, chữ "Co" là viết tắt của "Corona", "vi" là "virus" và "d" là "disease" (dịch bệnh), số “19” - viết tắt của năm 2019 (virus này được phát hiện bùng phát vào tháng 12/2019).

Theo ông Tedros, cái tên chính thức COVID-19 được lựa chọn là để tránh đề cập cụ thể một vị trí địa lý, một loài động vật, hay một nhóm người nào đó theo khuyến nghị của quốc tế nhằm tránh việc kỳ thị, gắn tiếng xấu lên các đối tượng đó.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO. (Ảnh: Reuters)

Theo các hướng dẫn được ban hành hồi năm 2015, WHO khuyến nghị tránh dùng các tên theo địa danh như là Ebola và Zika – nơi những bệnh này được nhận diện đầu tiên. Những cái tên như thế này bị coi là góp phần tăng thêm sự kỳ thị của các quốc gia hoặc khu vực xuất hiện dịch bệnh.

Các tên chung chung hơn như “Hội chứng Hô hấp Trung Đông” hay “cúm Tây Ban Nha” hiện cũng được tránh do chúng có thể gắn tiếng xấu với cả một khu vực rộng lớn hay các nhóm dân tộc.

Virus Corona chủng mới (2019-nCoV) chính thức được đổi tên thành COVID-19. (Ảnh minh họa)

COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến sáng ngày 12/2/2020: Thế giới có 45.171 người mắc, 1.115 người tử vong do COVID-19. Việt Nam có 15 người dương tính với COVID-19, trong đó có 6 người đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện.

Link gốc: https://kinhtemoitruong.vn/vi-sao-who-dat-ten-covid-19-cho-virus-corona-chung-moi-13869.html

Cùng chuyên mục

Từ 01/6 chỉ cấp mới thẻ BHYT giấy đối với một số trường hợp
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã ban hành Công văn số 168/BHXH-QLT hướng dẫn BHXH các khu vực; BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng phôi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó đáng chú ý, từ ngày 01/6/2025, cơ quan BHXH chỉ thực hiện cấp mới thẻ BHYT giấy đối với ba trường hợp.

Tin mới

Không tái ký hợp đồng lao động, công ty phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo quy định của pháp luật, công ty phải thông báo trước bao lâu về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động được biết? Trường hợp, mai hết hạn hợp đồng lao động nhưng nay công ty mới thông báo cho người lao động về việc không ký tiếp hợp đồng thì có được hay không?
Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?
Khi lái xe trên đường cao tốc, tôi thấy nhiều người đi bộ bắt xe, đi bộ tập thể dục trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc, hành vi này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Bộ Công an cho hỏi, nếu người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử lý như thế nào?