Có bắt buộc điểm chỉ trong công chứng hợp đồng, giao dịch?
Theo quy định pháp luật, có bắt buộc phải điểm chỉ vào trong văn bản công chứng hợp đồng, giao dịch không?
Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, điểm chỉ hay còn gọi là lăn tay được hiểu là việc lăn ngón tay dính mực vào văn bản, giấy tờ, trên đó sẽ có dấu vân tay của người điểm chỉ.
Căn cứ khoản 2, khoản 3, Điều 48, Luật Công chứng năm 2014, điểm chỉ không phải thủ tục bắt buộc trong mọi hợp đồng, giao dịch công chứng mà chỉ có một số trường hợp bắt buộc phải thực hiện thủ tục này. Cụ thể:
- Trường hợp bắt buộc phải thực hiện điểm chỉ thay cho việc ký: Người yêu cầu công chứng, người làm chứng hoặc người phiên dịch không ký được bởi vì nguyên nhân là do khuyết tật hoặc do không biết ký;
- Trường hợp không bắt buộc phải điểm chỉ nhưng có thể thực hiện điểm chỉ: Khi thực hiện công chứng di chúc hoặc do người yêu cầu công chứng đề nghị thực hiện điểm chỉ trong văn bản công chứng hoặc khi công chứng viên thấy cần thiết phải thực hiện việc điểm chỉ và coi đây là thủ tục cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng;
Trong trường hợp này, người yêu cầu công chứng có thể thực hiện mình việc điểm chỉ hoặc có thể kết hợp đồng thời cả điểm chỉ và ký.
Như vậy, điểm chỉ là không bắt buộc đối với mọi trường hợp công chứng hợp đồng, giao dịch mà chỉ có một trong các trường hợp nêu trên là bắt buộc.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, hầu hết các công chứng viên đều yêu cầu các bên phải điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch thay vì chỉ ký, ghi rõ họ tên.
Việc sử dụng điểm chỉ song song với việc ký tên sẽ thêm phần chắc chắn và cũng không quá phiền toái, mọi người nên thực hiện để giảm thiểu rủi ro pháp lý không đáng có.