Cổ phiếu về vùng đáy, cổ đông VietABank lỗ 2.500 tỷ đồng
Cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đang về vùng đáy khiến nhà đầu tư “đu đỉnh” thua lỗ gần 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, VietABank gây chú ý khi ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp là… 0 đồng.
Cổ phiếu về vùng đáy
Cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) bắt đầu niêm yết trên UpCOM trong ngày 20/7/2021 với giá chào sàn chỉ 13.500 đồng/cổ phiếu. Ngay khi là tân binh, VAB tăng hết biên độ, 40% lên 18.900 đồng/cổ phiếu.
VAB đạt đỉnh trong ngày 22/7 khi leo lên mức 22.800 đồng/cổ phiếu. Sau đó, xu hướng chính của VAB là… đi lùi. Trong đó, ấn tượng nhất là 2 phiên giảm sàn liên tiếp trong ngày 23/7 và 26/7.
Đóng cửa phiên giao dịch 24/8, VAB dừng ở mức 17.200 đồng/cổ phiếu. Ở mức này, VAB đứng thứ 2 trong danh sách các cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất, chỉ trên SGB. Trong phiên 24/8, SGB giảm nhẹ xuống 17.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, so với mức đỉnh, VAB đã giảm 5.600 đồng/cổ phiếu, tương đương 24,6% so với “đỉnh” thiết lập trong ngày 22/7. Đà giảm này của VAB khiến vốn hoá thị trường VietABank “bốc hơi” 2.492 tỷ đồng.
Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị cổ phiếu VAB do cổ đông nắm giữ đã giảm giá trị 2.492 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với thời kỳ VAB còn giao dịch trên thị trường OTC, thị giá cổ phiếu này đã tăng rất mạnh.
Cụ thể, vào hỗi giữa 4/2021, mức giá cao nhất mà VAB được nhắc tới trên sanotc.com, thị trường OTC online lớn nhất hiện nay vẫn chỉ là 8.000 đồng/cổ phiếu. Còn hồi đầu tháng 1 năm nay khi cổ phiếu chứng khoán đã “dậy sóng” trên sàn, VAB vẫn chỉ loanh quanh 6.500 đồng/cổ phiếu.
“Cứu” lãi nhờ cắt giảm dự phòng và… Ngân hàng Nhà nước?
Không lâu sau khi đưa cổ phiếu VAB giao dịch trên UpCOM, VietABank công bố báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng rất mạnh.
Lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 của VietABank lên tới hơn 200 tỷ đồng, tăng 162,4 tỷ đồng, tương đương 432% so với quý 2/2020; luỹ kế 6 tháng đầu năm tăng 208 tỷ đồng, tương đương 176% lên 326 tỷ đồng.
Lãi ròng tại VietABank tăng mạnh trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính lại đang đi lùi. Chỉ tiêu thu nhập lãi và thu nhập tương tự quý 2/2021 giảm từ 1.492 tỷ đồng xuống 1.388 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng đầu năm giảm từ 2.821 tỷ đồng xuống 2.641 tỷ đồng.
Có hai nguyên nhân chính giúp lợi nhuận của VietABank tăng vọt.
Thứ nhất, là do…. Ngân hàng Nhà nước. Để giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, để từ đó giảm lãi suất cho vay.
Thế nhưng, tại nhiều ngân hàng, lãi suất huy động giảm sâu hơn lãi suất cho vay. Tại VietABank, nhờ giảm mạnh lãi suất huy động, chỉ tiêu chi phí lãi và các chi phí tương tự giảm sâu từ 1.125 tỷ đồng xuống 987 tỷ đồng trong quý 2/2021 và giảm từ 2.244 tỷ đồng xuống 1.997 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
Kết quả là thu nhập lãi thuần quý 2/2021 đạt 401 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng đầu năm lên tới 644 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 578 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Thứ hai, lợi nhuận của VietABank tăng đột biến khi ngân hàng mạnh tay cắt giảm dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý 2/2021, chỉ tiêu này chỉ là 77,8 tỷ đồng dù cùng kỳ năm ngoái lên đến 204 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 77,8 tỷ đồng, giảm so với con số 208 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng bị mạnh tay cắt giảm dù nợ xấu không có nhiều biến động, đạt 1.028 tỷ đồng, chiếm 2% tổng dư nợ tín dụng.
Có một điểm đáng chú ý tại VietABank nữa chính là chi phí thuế thu nhập chỉ 0 đồng. Điều này không chỉ diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2021 và còn xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2020.
Trong khi đó, tại thời điểm cuối quý 2/2021, thuế thu nhập hoãn lại phải trả tại VietABank được ngân hàng xác định là 0 đồng.