Cơ quan, tổ chức có thể là người làm chứng trong tố tụng dân sự?
Người làm chứng là người biết được các tình tiết của vụ việc, do đó sự có mặt của họ góp phần giúp Tòa án giải quyết vụ việc một cách khách quan, chính xác, kịp thời. Thực tiễn xét xử cho thấy, đa số trường hợp người làm chứng là một cá nhân cụ thể. Tuy vậy, vẫn có trường hợp Tòa án xác định người làm chứng không phải là cá nhân mà là cơ quan, tổ chức.
Bài viết phân tích vấn đề pháp lý người làm chứng có thể là cơ quan, tổ chức hay chỉ có thể là cá nhân? Từ đó đưa ra quan điểm và kiến nghị nhằm thống nhất trong thực tiễn xét xử.
1. Vấn đề pháp lý
Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 dùng thuật ngữ “người làm chứng” và định nghĩa người làm chứng là người biết các tình tiết liên quan đến nội dung vụ việc. Vậy cơ quan, tổ chức có thể tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng không hay người làm chứng chỉ có thể là một cá nhân cụ thể?
2. Thực tiễn xét xử
Về vấn đề này, thực tiễn xét xử hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Cụ thể:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng người làm chứng chỉ có thể là cá nhân. Quan điểm này dựa trên cơ sở Điều 77 BLTTDS năm 2015 quy định người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc. BLTTDS dùng từ “người” nên người làm chứng chỉ có thể là cá nhân, không thể là tổ chức. Chẳng hạn, theo một bản án: “Về tư cách tham gia tố tụng của đương sự: Bản án sơ thẩm xác định Chi cục thi hành án dân sự huyện LT là người làm chứng là vi phạm quy định tại các Điều 77, 78 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nội dung kháng nghị này là có cơ sở vì theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự thì người làm chứng là Người biết các tình tiết liên quan đến nội dung vụ án. Như vậy, người làm chứng phải là một cá nhân cụ thể không thể là một cơ quan, tổ chức”[1]. Tương tự, khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng từng nhận xét: “Tòa án nhân dân thành phố V thụ lý giải quyết vụ án ngày 22/5/2013, xét xử ngày 10/10/2018, đưa Ủy ban nhân dân Phường B, thành phố V vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người làm chứng là chưa đúng trong việc xác định tư cách chủ thể người làm chứng tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đề nghị Tòa án sơ thẩm nghiêm túc rút kinh nghiệm”[2].
Như vậy, với thực tiễn xét xử này, một số Tòa án đã xác định người làm chứng chỉ có thể là cá nhân không thể là cơ quan, tổ chức.
- Quan điểm thứ hai cho rằng cơ quan, tổ chức vẫn có thể tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng. Theo đó, chỉ cần chủ thể đó biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc thì đều có thể xác định là người làm chứng mà không phân biệt đó là tổ chức hay cá nhân. Chẳng hạn, theo một bản án: “Cần làm rõ tại sao có sự khác nhau giữa hiện trạng thực tế về bức tường ranh giới và sơ đồ hiện trạng được cấp trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ngân hàng. Vấn đề này theo đơn đề nghị của Ngân hàng là đưa Sở Tài nguyên và Môi trường vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để làm rõ căn cứ việc tham mưu và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà M và sau này bà Y. Hội đồng xét xử thấy rằng cấp sơ thẩm cần chấp nhận yêu cầu của ngân hàng và đưa Sở Tài nguyên và Môi trường vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng để làm rõ về nguồn gốc và lý do tham mưu cho UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các bên đương sự, chứ không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”[3].
Tương tự, TANDCC tại Đà Nẵng cũng từng nhận định UBND cấp xã vẫn có thể xác định là người làm chứng trong vụ án dân sự. Cụ thể: “Như vậy, để xác định nguồn gốc hai thửa đất 131/1 và 131/3 nêu trên có đúng là tài sản của cụ Đinh S1 hay không; cụ Đinh S1 trước khi chết có tặng cho bà L3 và anh Tr, hay là cho một mình bà L3 hay không; cũng như việc xác định phần diện tích đất ông Đinh T4 kê khai đăng ký, phần đất do UBND xã quản lý có liên quan như thế nào đối với phần đất bà L3 sử dụng, được ông Phạm M kê khai đăng ký và đã được cấp GCNQSD đất năm 1996 thì cần thiết phải lấy lời khai của ông Đinh T4, anh Nguyễn Tr và UBND xã T1. Thông qua đó, xác định và đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người làm chứng theo quy định tại khoản 4 Điều 68 và Điều 77 của Bộ luật Tố tụng dân sự”[4]. Hoặc trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa được Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thụ lý, giải quyết, Tòa án cũng đã xác định một công ty là người làm chứng vì công ty này biết được việc giao dịch, mua bán hàng hóa giữa các đương sự. Cụ thể: “Bị đơn trình bày: Sau khi giữa ông T và bà C không thực hiện việc mua bán gỗ, ông T đã bán lô gỗ cho Công ty MD (địa chỉ: 7 Trần Hưng Đạo, thị xã QT, tỉnh QT). Do đó, hội đồng xét xử xét thấy cần thiết đưa Công ty MD vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người làm chứng”[5].
Như vậy, khác với thực tiễn xét xử nêu trên, các vụ việc mà chúng tôi vừa trích dẫn lại theo hướng cơ quan, tổ chức vẫn có thể tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng nếu họ biết được các tình tiết liên quan nội dung vụ việc.
3. Bình luận
BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) và BLTTDS năm 2015 đều có quy định về người làm chứng. Theo đó, người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng[6]. Người làm chứng tham gia tố tụng thường khách quan hơn đương sự do họ không có quyền và lợi ích liên quan đến vụ việc. Việc tham gia tố tụng của người làm chứng có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết vụ việc dân sự nên pháp luật không quy định hạn chế những người được tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng[7]. BLTTDS năm 2015 chỉ hạn chế người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng còn những chủ thể khác, thậm chí người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong việc nhận thức, làm chủ hành vi vẫn có thể tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng[8].
Với ý nghĩa là người biết được các tình tiết liên quan nội dung vụ việc, tham gia tố tụng nhằm cung cấp các thông tin, xác nhận các sự kiện nhằm giúp Tòa án giải quyết vụ việc một cách đúng đắn. Chúng tôi cho rằng không có lý do gì để hạn chế theo hướng người làm chứng chỉ có thể là cá nhân chứ không thể là cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ, nếu các chủ thể này biết được các tình tiết của vụ việc thì việc đưa họ vào tham gia tố tụng để làm rõ, giải thích những tình tiết mà các bên đang tranh chấp là hết sức cần thiết.
Chẳng hạn, trong một vụ án ly hôn, tranh chấp tài sản khi ly hôn, hai vợ chồng có một tài sản là ngôi nhà gắn liền với quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng của Công ty Cổ phần bất động sản A. Nguyên đơn anh H cho rằng đây là tài sản chung của vợ chồng vì được hình thành trong thời kì hôn nhân. Việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở chỉ đứng tên một mình vợ anh là chị M vì thời điểm nhận chuyển nhượng nhà đất, anh H là Việt kiều, không có quốc tịch Việt Nam, không thể đứng tên sở hữu bất động sản tại Việt Nam nên đã hợp thức hóa bằng việc ký cam kết tài sản riêng để một mình chị M đứng tên. Thực tế, toàn bộ số tiền nhận chuyển nhượng nhà đất này là do anh bỏ ra. Ngược lại, chị M cho rằng, đây là tài sản riêng của mình, do mình tự bỏ tiền ra nhận chuyển nhượng.
Như vậy, Tòa án cần triệu tập Công ty A để làm rõ việc chuyển nhượng, theo đó, nguyên đơn anh H có tham gia việc nhận chuyển nhượng, có đóng góp tiền, công sức vào việc nhận chuyển nhượng này không? Đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng để giải quyết vụ án mà Công ty A là chủ thể biết nội dung này vì là bên chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng anh H, chị M. Có ý kiến cho rằng, trường hợp này có thể xác định Công ty A là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, việc xác định như vậy là không chính xác. Bởi lẽ, Tòa án đưa Công ty A vào tham gia tố tụng để xác nhận đã chuyển quyền sử dụng đất cho ai, anh H có tham gia, đóng góp tiền vào việc chuyển nhượng không. Giữa Công ty A với người nhận chuyển nhượng nhà đất là vợ chồng anh H, chị M không tranh chấp về việc chuyển nhượng, Công ty A cũng không có yêu cầu gì trong vụ án.
Việc giải quyết vụ án theo hướng chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không làm phát sinh quyền nghĩa vụ dân sự nào của Công ty A nên Công ty A chỉ là người làm chứng trong vụ án, không thể tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tương tự, trong vụ án mà TANDCC tại Đà Nẵng giải quyết mà chúng tôi trích dẫn nêu trên, để giải quyết tranh chấp cần làm rõ nguồn gốc thửa đất có đúng là tài sản của cụ Đinh S1 hay không và cần xác định phần diện tích đất ông Đinh T4 kê khai đăng ký, phần đất do UBND xã quản lý có liên quan như thế nào đối với phần đất bà L3 sử dụng, được ông Phạm M kê khai đăng ký và đã được cấp GCNQSD đất năm 1996. Để làm rõ những nội dung này, cần kiểm tra, đối chiếu với các hồ sơ do UBND cấp xã nơi có đất lưu trữ cũng như lấy ý kiến của UBND cấp xã về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất cũng như các thông tin liên quan. Do đó, việc đưa UBND cấp xã nơi có đất vào tham gia tố tụng trong vụ án này với tư cách người làm chứng là cần thiết.
Cần lưu ý rằng BLTTDS năm 2015 không có quy định nào không cho phép cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng. Việc BLTTDS năm 2015 dùng từ “người” khi định nghĩa về người làm chứng không có nghĩa chỉ giới hạn ở các cá nhân cụ thể. Bởi lẽ, các quy định trong Chương VI về người tham gia tố tụng của BLTTDS năm 2015 đều dùng thuật ngữ “người” nhưng không có nghĩa chỉ là một cá nhân cụ thể.
Chẳng hạn, Điều 68 BLTTDS năm 2015 quy định: “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm”, hoặc “Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm” và “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
Các quy định này đều định nghĩa theo hướng nguyên đơn là người...; bị đơn là người...; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người... Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, thực tiễn xét xử đều hiểu theo nghĩa các chủ thể này có thể là cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức (có tư cách pháp nhân).
Từ những phân tích trên chúng tôi cho rằng, thực tiễn xét xử nên theo hướng chấp nhận cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng. Cần nhìn nhận và hiểu Điều 77 BLTTDS năm 2015 theo hướng người làm chứng không chỉ giới hạn là một cá nhân cụ thể mà có thể là cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, không phải cơ quan, tổ chức nào cũng có thể tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng mà đó phải là các cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân. Khi đó họ mới có tư cách chủ thể để tham gia tố tụng[9]. Thực tiễn xét xử có trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm còn yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm phải đưa một cửa hàng điện máy vào tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng để làm rõ một số nội dung của vụ án.
Cụ thể: “Chị T cung cấp 1 Giấy xác nhận mua đồ thể hiện ngày 22/3/2018 anh M và chị T có mua của Cửa hàng điện máy S 1 tủ lạnh Samsung 22H1R4 giá 5.800.000 đồng; 1 bếp gas Taka KG88 giá 1.480.000 đồng, 1 ti vi Asano 32 inch giá 4.000.000 đồng và 1 quạt treo Senko giá 250.000 đồng. Chứng cứ do chị T cung cấp có xác nhận của Cửa hàng điện máy S; Địa chỉ: Thôn 1, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk. Tại thời điểm chị T mua các tài sản trên là đang trong thời kỳ sống chung với anh M, cần xác định đây là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình. Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm chưa làm rõ các tài sản này hiện đang ở đâu? không đưa Cửa hàng điện máy S vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng để lấy lời khai là vi phạm Điều 77 và điểm a khoản 2 Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”[10].
Chúng tôi cho rằng trường hợp này cần làm rõ cửa hàng điện máy này hoạt động theo hình thức gì? Nếu cửa hàng có tư cách pháp nhân thì có thể tham gia tố tụng. Nếu cửa hàng hoạt động với mô hình hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân hoặc loại hình khác không có tư cách pháp nhân thì không đủ tư cách chủ thể để tham gia tố tụng. Khi đó, cần triệu tập người làm chứng là những cá nhân tham gia bán hàng tại cửa hàng điện máy này, có thể là nhân viên thu ngân hoặc nhân viên đã bán hàng cho chị T.
Cuối cùng, để tránh những quan điểm khác nhau trong thực tiễn xét xử như đã trình bày, chúng tôi kiến nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC có hướng dẫn để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng các quy định về người làm chứng./.
[1] Bản án số 59/2020/DS-PT ngày 20-5-2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”
[2] Bản án số 42/2019/DS-PT ngày 26 - 4 – 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất”.
[3] Bản án số 18/2020/DS-PT ngày 19 - 6 – 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về “Tranh chấp quyền sử dụng đất ranh giới liền kề”.
[4] Bản án số: 114/2020/DS-PT ngày 17 - 6 – 2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, thừa kế tài sản và hủy quyết định cá biệt và Thông báo rút kinh nghiệm số 46/TB-VKS-DS ngày 16-7-2020 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
[5] Thông báo số 103a/2020/TB-TA ngày 30-12-2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đ, tỉnh QT về việc bổ sung người làm chứng tham gia tố tụng trong vụ án.
[6] Xem Điều 77 BLTTDS năm 2015.
[7] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, tr.126.
[8] Xem Điều 77, khoản 3 Điều 99 BLTTDS năm 2015.
[9] Hiện nay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân, các chủ thể khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thông qua người đại diện (xem Điều 1, Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015).
[10] Bản án số 34/2019/HNGĐ-PT ngày 01/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về “Tranh chấp hôn nhân và gia đình”.