Con vào lớp 1: “Cả nhà cùng lo…”
Chuyện các con bước vào lớp 1 là nỗi niềm của không ít gia đình nước ta ngày nay. Chuyện đã có từ nhiều năm về trước, nay vẫn còn lo…
Chuyện các con bước vào lớp 1 là nỗi niềm của không ít gia đình nước ta ngày nay. Chuyện đã có từ nhiều năm về trước, nay vẫn còn lo…
Bên cạnh việc trang bị các dụng cụ học tập bắt buộc phải có là: đồng phục, tập, sách giáo khoa, đồ dùng phục vụ cho con vào học lớp 1,… đã phát sinh nhiều nội dung khác mà có lẽ là “chuyện không của riêng ai”, đó là: sắp xếp thời gian đưa đón con đi học, nếu học thêm thì phải có “thời khóa biểu” riêng dành cho các bậc phụ huynh học sinh (PHHS).
Chưa hết, ở lứa tuổi còn nhỏ mà đầu tuần phải mang cả một túi tập, sách đến lớp,… nặng đến 4-5kg, phụ huynh nào cũng xót xa.
Cách nay hơn 10 năm, trả lời báo chí về nhận định chương trình lớp 1 được thiết kế nặng nề nên học sinh mới phải học quá tải, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập Phạm Toàn- người đã có thâm niên hàng chục năm giảng dạy, nghiên cứu và viết sách về giáo dục tiểu học, đã có ý kiến:
“Vấn đề ở đây là phải biết cách đưa tri thức cho trẻ làm sao để trẻ có thể tiếp cận được một cách nhẹ nhàng. Chương trình thì nước nào cũng giống nhau, kết thúc lớp 1 là trẻ phải biết đọc, biết viết. Thế nhưng tại sao ở nước ta trẻ con học lại phải vất vả đến thế? Đề tài nghiên cứu về dạy tiếng Việt cho học sinh ở miền núi của tôi chỉ sau 5 tháng là học sinh biết đọc, biết viết... Bài học đầu tiên trong tiếng Việt lớp 1 không phải chữ a hay chữ e mà chỉ là lời nói, là hội thoại; tiếp sau đó là tách lời thành tiếng; sau tiếng rồi mới đến thanh. Ví dụ, dạy trẻ cách phát âm, chúng tôi cho trẻ phát âm từng nguyên âm rồi đến phụ âm để trẻ thấy sự khác biệt, rằng: khi phát âm nguyên âm thì luôn phải há miệng ra còn khi phụ âm thì ngậm miệng lại… Nguyên lý “làm thì học” chính là ở chỗ đó…”.
Một PHHS đến từ quận 10- TP.HCM, than phiền rằng, vợ chồng anh chị chỉ có 1 con trai, mới vào lớp 1, thì đã “choáng” với lịch của cháu, hầu như học cả tuần, chủ nhật còn phải học thêm Anh văn, Mỹ thuật,… “Giờ học chính khóa thì có thể chấp nhận được, nhưng lại có thêm các tiết học phụ đạo, ngoại khóa,… dày đặc thì vợ chồng tôi không biết một đứa trẻ lớp 1 có thể “nhồi nhét” nổi không? Nếu không đi học thì thua kém bạn bè,…”- vị PHHS này cho biết thêm.
Một Hiệu trưởng trường Tiểu học ở quận 9, TP.HCM (nay là thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM) đã nói: “Chương trình thiết kế bài dạy, phân bố thời lượng các môn học chưa hợp lý, chẳng hạn như: Thể dục 2 tiết, Nhạc 2 tiết… Bên cạnh đó, cũng phải nghiêm cấm các trường mầm non dạy trước chương trình và khuyến khích phụ huynh không nên cho con đi học thêm khi chưa vào lớp 1, dẫn đến tình trạng trình độ không đồng đều ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên và học sinh”.
Vừa qua, việc một vài PHHS thiếu ý thức lái xe ô tô vào nhà trường gây tai nạn giao thông đã khiến nhiều trường Tiểu học, THCS,… ở nhiều địa phương trên cả nước buộc PHHS phải để xe bên ngoài, có nơi thì cho PHHS làm phụ các cháu lớp 1 ôm cặp sách,… vào lớp (vì quá nặng so với lứa tuổi của các cháu), có nơi thì không cho PHHS đưa con em vào lớp, chỉ đưa đến cổng trường và các cháu tự ôm cặp sách vào lớp,… dù cổng trường và lớp học của các cháu cách xa vài chục đến vài trăm mét.
Khi PHHS có ý kiến cho PHHS được đưa các cháu vào lớp, sắp xếp chỗ ngồi cho ngay ngắn, quan trọng là ôm tiếp cặp sách,… vào lớp cho con nhưng được trả lời là: “Phải để các cháu tự lập ngay từ nhỏ, PHHS cứ theo sát các cháu như vậy sao các cháu biết làm việc này việc kia…”. Lập luận trên không sai, nhưng có lẽ sẽ quá sức với những cháu gái và các cháu có thân hình gầy gò, ốm yếu,… Còn về tự lập thì có thể dạy cháu tự sắp xếp bàn học, quét nhà, lau nhà, nhặt rác,… trong phòng học hoặc ở nhà.
Một số nội dung về dạy trẻ tự lập ở bậc Tiểu học.
Bên cạnh đó là nỗi lo về nhà vệ sinh, một số trường học nhà vệ sinh bậc Tiểu học dùng chung với nhau nên không đảm bảo vệ sinh, thậm chí có PHHS khi dẫn con em đi vệ sinh thì lắc đầu, vì vừa đến cửa đã nghe bốc mùi hôi… Có nơi nhà trường không bố trí tạp vụ quét dọn, lau chùi,… cho sạch sẽ hoặc thiếu kiểm tra nên để xảy ra hiện tượng trên.
Thế mới biết, với không ít gia đình ở nước ta hiện nay, có con em vào lớp 1 là “cả nhà cùng lo”, người thì lo đưa đón giờ học chính khóa, người thì đưa đón giờ học ngoại khóa, người thì lo kiểm tra bài tập về nhà (vì có không ít cháu quên, do tuổi còn nhỏ), người thì lo việc ăn uống, quần áo hằng ngày,… Bao giờ thì con vào lớp 1 không còn là “nỗi niềm trăn trở” và lo lắng của các bậc PHHS?