Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 03/09/2021 21:48 (GMT+7)

Đà Nẵng: Người dân 'vùng xanh' được tập thể dục ngoài trời, đi chợ 5 ngày/lần... từ 5/9

Từ 8 giờ ngày 5/9 cho đến khi có thông báo mới, người dân “vùng xanh” ở Đà Nẵng được tập thể dục đi bộ ngoài trời, đi chợ 5 ngày/lần, được nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng…

Tối nay (3/9), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, từ 8 giờ ngày 05/9 cho đến khi có thông báo mới, tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố theo tinh thần theo từng cấp độ nguy cơ; đó là "vùng đỏ", "vùng vàng" và "vùng xanh", trong đó "vùng đỏ" thì tiếp tục áp dụng biện pháp theo quy định tại Quyết định số 3986 của Bộ Y tế.

Đối với "vùng vàng": Áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND TP; tiếp tục yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi tham gia các hoạt động với các điều kiện, biện pháp như phải có Giấy đi đường QRCode kèm theo giấy tờ tùy thân; thực hiện nghiêm quy định 5K; không tập trung quá 02 người tại nơi công cộng; đeo tấm che mặt trong suốt khi tham gia hoạt động giao tiếp trực tiếp; thực hiện di chuyển theo nguyên tắc "1 cung đường - 2 điểm đi/đến và ngược lại".

Đà Nẵng: Những hoạt động được phép từ 8 giờ ngày 5/9 - Ảnh 1.
Đường phố Đà Nẵng vắng tanh trong những ngày thực hiện quy định "ai ở đâu thì ở đó".

Các hoạt động được phép thực hiện với các điều kiện, biện pháp như sau: Hoạt động của các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc: Người dân được phép đến mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố. Trường hợp cần thiết đi ra khỏi phạm vi thôn/tổ dân phố để mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc thì phải có Giấy đi đường do UBND phường, xã cấp (01 người/01 hộ gia đình với tần suất 05 ngày/lần).

Các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc phải đảm bảo có dây giăng, vạch kẻ để phân luồng ra/vào, giãn cách giữa những người mua, bán hàng.

Hoạt động của các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini); các điểm bán hàng tại khu dân cư, điểm bán hàng tại một số chợ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức: Không được bán hàng trực tiếp cho người dân; chỉ được bán hàng thông qua các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động giao nhận, cung ứng hàng hóa cho người dân.

Hoạt động của các cửa hàng, công ty cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch; cơ sở dịch vụ khám, chữa bệnh; cơ sở cách ly y tế tập trung; các điểm tiêm chủng; cơ sở xét nghiệm.

Hoạt động của các cửa hàng, doanh nghiệp cấp gas, cấp điện, cấp nước, xăng dầu; bưu chính; viễn thông; phát hành báo chí; cảng hàng không; nhà ga đường sắt; trạm quản lý đường bộ: Bố trí tối đa 30% số người làm việc. Hoạt động của ngân hàng: Bố trí tối đa 40% số người làm việc.

Hoạt động của cảng biển: Bố trí tối đa 50% số người làm việc; trường hợp đảm bảo thực hiện điều kiện "3 tại chỗ" (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ), bố trí tối đa 70% số người làm việc.

Hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp (đăng kiểm; kiểm toán; đăng ký giao dịch bảo đảm; bảo hiểm; bảo vệ chuyên nghiệp): Bố trí tối đa 30% số người làm việc.

Hoạt động của dịch vụ bổ trợ tư pháp (công chứng; luật sư; đấu giá; thừa phát lại; trọng tài thương mại; tư vấn pháp luật; quản lý, thanh lý tài sản; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc): Bố trí tối đa 30% số người làm việc nhưng không quá 05 người.

Hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất: Trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: Bố trí tối đa 50% số người làm việc; trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện "3 tại chỗ", bố trí tối đa 70% số người làm việc. Ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: Bố trí tối đa 30% số người làm việc; trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện "3 tại chỗ", bố trí tối đa 50% số người làm việc.

Hoạt động vệ sinh môi trường; chăm sóc cây xanh đô thị; xử lý sự cố, bảo trì, duy tu, sữa chữa hệ thống: điện, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông, cầu và đường bộ.

Hoạt động của các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh: Bố trí tối đa 30% số người làm việc.

Hoạt động của những người giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper): Phải thường xuyên mặc trang phục bảo hộ của ngành y tế, đeo khẩu trang y tế đạt chuẩn, tấm che mặt trong suốt, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn khi tham gia hoạt động; đã được tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Hoạt động tác nghiệp báo chí: Tối đa 06 người/đơn vị phát thanh, truyền hình; tối đa 02 người/báo in, báo điện tử; 01 người/tạp chí.

Hoạt động của cơ quan, công sở nhà nước: Bố trí tối đa 30% số người làm việc (trừ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch như công an, quân đội, y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp).

Đà Nẵng: Những hoạt động được phép từ 8 giờ ngày 5/9 - Ảnh 2.
Lực lượng kiểm soát quân sự tuần tra trên đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) vào chiều 3/9.

Tiếp tục dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại tổ một cửa Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường, xã (nhưng vẫn bảo đảm giải quyết, xử lý công việc của công dân và doanh nghiệp); đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.

Tiếp tục dừng các hoạt động hội họp chưa thật sự cấp thiết; trong trường hợp phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện thì phải bảo đảm giãn cách 02 mét và tập trung không quá 20 người trong 01 phòng, ngoại trừ các cuộc họp, sự kiện quan trọng được cấp có thẩm quyền cho phép.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà và tham gia các công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Hoạt động công trình xây dựng: Công trình nhà ở dân sinh cấp thiết do Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Công trình động lực, trọng điểm, cấp bách do Chủ tịch UBND thành phố hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể theo phân cấp quản lý.

Hoạt động tang lễ và dịch vụ tang lễ: Không để đám tang quá 48 tiếng, chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người; không tổ chức các đoàn viếng. Chỉ được sử dụng phương tiện ô tô để đưa tang, trường hợp đoàn xe đưa tang ra khỏi thành phố phải có xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã).

Các hoạt động quan trọng và cấp thiết khác do Chủ tịch UBND thành phố hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Đà Nẵng: Những hoạt động được phép từ 8 giờ ngày 5/9 - Ảnh 3.
Người dân "vùng xanh" được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày/lần.

Người dân "vùng xanh" được tập thể dục, đi bộ ngoài trời

Đối với "vùng xanh", ngoài những hoạt động được phép nêu ở "vùng vàng" nói trên, bổ sung thêm một số hoạt động mà người dân được phép tham gia trong vùng xanh với các điều kiện, biện pháp như sau:

Người dân được đi chợ truyền thống với tần suất 05 ngày/lần; mỗi hộ gia đình chỉ được 01 người đi chợ và phải có Giấy đi chợ QRCode hợp lệ theo quy định.

Hoạt động tại chợ phải có vách ngăn giữa người bán, người mua và tuân thủ hướng dẫn phòng, chống dịch.

Người dân được tập thể dục đi bộ ngoài trời và tham gia các hình thức thể dục khác tại nơi công cộng trong phạm vi vùng xanh, khoảng thời gian từ 05 giờ sáng đến 07 giờ sáng; giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét với người khác.

Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng; đảm bảo có dây giăng, vạch kẻ để phân luồng, giãn cách giữa những người mua hàng; giao hàng tận nơi cho khách hàng; Không được phục vụ khách tại chỗ.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...