Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội: Chính quyền xã buông lỏng quản lý công điền để dự án 'biến tướng'?
Một nhà hàng được xây dựng trên đất nông nghiệp, vốn là đất công điền do UBND xã Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) quản lý ngang nhiên khai trương rầm rộ và đi vào hoạt động nhưng chính quyền UBND xã không hề hay biết?
Theo Quyết định số 5176/QĐ-UBND ngày 12/07/2018, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung “Cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ xứ Đồng Quán Đỏ 1, thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm”.
Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp 9524 m2 là đất công điền do UBND xã Đa Tốn quản lý, được giao cho bà Lưu Thị Bình với mục đích “sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại VAC”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hiện nay toàn bộ khu đất trên đã biến thành một khu nhà hàng ăn uống có tên “nhà hàng Thắng Còi”. Điều ngạc nhiên là, tuy nhà hàng này đã đi vào hoạt động và khai trương rầm rộ nhưng chính quyền UBND xã không hề hay biết?…
Biến tướng của phương án được phê duyệt?
Ngay sau khi nhận được phản ánh trên, phóng viên đã xuống cơ sở để tìm hiểu thông tin. Nhiều người dân sinh sống ở đây cho biết: “Khu đất nhà hàng Thắng còi là đất nông nghiệp nhưng không hiểu sao lại được phép làm nhà hàng, quán ăn, trong khi đó đáng lẽ ra họ phải sử dụng vào mục đích sản xuất nuôi trồng”.
Khu đất này thuộc dự án “Cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế trang trại kết hợp với dịch vụ xứ Đồng Quán Đỏ 1, thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm”. Thời gian thực hiện phương án là 20 năm, chia làm 04 chu kì, mối chu kì 5 năm, chu kì thứ nhất tính từ ngày 24/10/2013. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà cho đến năm 2019 phương án này vẫn không được thực hiện. Bỗng nhiên, đến cuối năm 2019 xuất hiện một nhà hàng khá lớn mọc lên phục vụ nhiều món ăn về trâu, gà ,cá… kèm cả khu vui chơi trẻ em?
Nhà hàng này nằm ngay mặt đường huyết mạch Hà Nội – Hưng Yên, gần ngã tư Đa Tốn và nằm ngay gần khu đô thị Ecopark khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc: Chính quyền địa phương “chống lưng” cho một nhà hàng không phép tồn tại vì đơn giản khả năng sinh lời cao khi đi vào hoạt động?
Để có được thông tin chính xác nhất, khách quan nhất cho bạn đọc, sau khi đi tìm hiểu thực tế, phóng viên đã đến trụ sở UBND xã Đa Tốn để liên hệ đặt lịch làm việc về vấn đề trên. Sau nhiều ngày chờ đợi phản hồi từ UBND xã nhưng chỉ nhận được sự im lặng, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với ông Đỗ Văn Kiên- Chủ tịch UBND xã Đa Tốn để bày tỏ mong muốn được sắp xếp một buổi làm việc đúng quy định với người đứng đầu UBND xã.
Sau nhiều lần liên hệ nhưng không được vị Chủ tịch này trả lời với lý do “bận họp”, phải rất khó khăn phóng viên mới có thể khiến ông Kiên đồng ý và hẹn lịch làm việc. Thật bất ngờ, khi phóng viên có mặt tại trụ sở theo đúng lịch đã được hẹn trước, thì không hiểu sao phóng viên gọi điện nhiều lần ông Kiên đều không nghe máy và chỉ báo lại để hôm khác do “bận họp đột xuất”.
Vì muốn tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, khách quan nhất nên phóng viên vẫn kiên trì liên hệ với vị Chủ tịch này thêm một vài lần nữa. Lần này, sau khi ông Kiên tiếp tục đồng ý và cho bộ phận văn phòng thông báo thời gian, phóng viên lại có mặt đúng hẹn tại UBND xã để làm việc theo nội dung đã đặt lịch.
Lần này, phóng viên lại càng bất ngờ hơn trước cách làm việc thiếu trách nhiệm và “hẹn cho có” của vị Chủ tịch Kiên khi ông này tiếp tục không có mặt và cử một cán bộ địa chính - tên Diệp ra làm việc. Đáng chú ý, sau một hồi lòng vòng và “trả lời nhát gừng”, địa chính Diệp cho biết: “Không biết phóng viên ở báo nào”, “không hề biết nội dung làm việc”, “không kịp chuẩn bị hồ sơ gì do mới được phân công tiếp phóng viên cách đây nửa tiếng”…?!
Thật không hiểu nổi cách vận hành và làm việc tại UBND xã Đa Tốn, phóng viên đã phản hồi và bày tỏ sự không hài lòng về cung cách, thái độ làm việc của UBND xã Đa Tốn. Cuối cùng, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn, ông Đỗ Văn Kiên cũng sắp xếp một buổi làm việc với cơ quan báo chí.
Tại buổi làm việc, ông Kiên cho biết: “Trước đây, khu đất này thực hiện dự án bị sai, sau khi khắc phục cái sai thì được huyện phê duyệt phương án bổ sung…”. Khi được hỏi tình trạng thực hiện phương án thì ông Kiên cho biết: “Hiện nay họ chưa thực hiện gì” và ông Kiên cũng không hề hay biết về việc một nhà hàng đang hoạt động trên khu đất này.
Theo những tài liệu UBND xã Đa Tốn cung cấp, ngày 01/01/2019, UBND xã Đa Tốn kí hợp đồng cho thuê đất với bà Lưu Thị Bình. Khu đất trên có diện tích 9524m2, nằm tại thửa đất số 52 tờ bản đồ số 22 (bản đồ thổ canh xã Đa Tốn vẽ năm 1993-1994), được cho thuê 5 năm, tính từ ngày 01/01/2019 đến hết ngày 31/12/2024 với điều khoản: “…để sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, đồng thời không được xây dưng công trình, chỉ được xây dựng bờ ao để trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả... Bao gồm, 570m2 đã xây dựng theo phương án được phê duyệt điều chỉnh với giá 45.000 đồng/m2/năm và phần lớn là 8954m2 đất nông nghiệp với giá 5.500 đồng/m2/năm”.
Được biết, khi phê duyệt bổ sung thì chủ đầu tư được quản lí thêm mương thoát nước nằm ở giữa khu đất có diện tích 356m2 và thay đổi một số hạng mục công trình so với ban đầu. Tất cả các hạng mục phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và trưng bày sản phẩm mà không hề đề cập đến việc kinh doanh nhà hàng, ăn uống.
Thực tế, theo quan sát của phóng viên thì trên khu đất này chỉ có rất ít hoạt động sản xuất nông nghiệp (chỉ trồng rất ít cây ăn quả…), phần nhiều đã bị bê tông hóa làm sân đỗ ô tô, khu vui chơi cho trẻ em, và thêm vào đó là nhiều công trình có dấu hiệu sai phương án đã được duyệt.
Những lùm xùm cần được làm rõ
Trong quá trình tìm hiểu và xác minh thông tin, chúng tôi được người dân cho biết thêm: “Những diện tích sản xuất nông nghiệp đã bị san lấp bằng chất thải rắn xây dựng nên giờ muốn canh tác cũng khó, phần mương và ao trong phương án cũng không còn nữa”. Thậm chí, khi tìm hiểu về diện tích thực hiện dự án, nhiều người dân còn cho rằng “…dự án này còn lấn sang các phần đất nông nghiệp xung quanh khác, nên thực tế số m2 còn tăng lên nhiều…?”
Vậy, trên cơ sở những thắc mắc này, xin gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương, đặc biệt là UBND huyện Gia Lâm tiếp tục làm rõ…
Chủ trương chuyển đổi cơ cấu, vật nuôi cây trồng là phù hợp thực tiễn; phương án cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển trang trại kết hợp dịch vụ là rất hay. Tuy nhiên ở đây, đơn vị chủ đầu tư có thực hiện đúng chủ trương và đúng với phương án hay không khi đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, phát triển mô hình kinh tế trang trại VAC đã bị cải tạo để sử dụng vào mục đích làm nhà hàng ăn uống?
Đồng thời, cần làm rõ những dấu hiệu vi phạm về trật tự xây dựng trong khi thực hiện phương án. Nếu có những hạng mục sai phương án, sai phép cần được ngăn chặn tháo dỡ tránh gây bức xúc trong dư luận. Tránh để tình trạng này xẩy ra tràn lan, tạo tiền đề xấu…
Để có được nhiều thông tin khách quan hơn nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với UBND huyện Gia Lâm và thông tin về vụ việc tới bạn đọc trong những kỳ tiếp theo…