Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 29/11/2023 16:21 (GMT+7)

Đại án Vạn Thịnh Phát: Những buổi họp, bữa cơm trị giá gần 300.000 tỷ đồng

Trong những cuộc họp và các bữa cơm nội bộ, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhiều lần chỉ đạo thân tín lên phương án, tạo lập các hợp đồng hứa mua hứa bán cổ phần khống, thông qua đó rút tiền, chuyển cho các “chân rết” nhằm cắt đứt dòng tiền từ Ngân hàng SCB.

Theo Kết luận điều tra, trong 20 năm hoạt động, bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã mở hơn 1.000 công ty con, công ty thành viên, công ty “ma”, được chia thành nhiều nhóm có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, Ngân hàng SCB được dựng lên như một công cụ huy động tiền gửi của người dân, phục vụ cho mục đích của bà Lan.

Đại án Vạn Thịnh Phát: Những buổi họp, bữa cơm trị giá gần 300.000 tỷ đồng ảnh 1
Ngân hàng SCB được dựng lên như một công cụ huy động tiền gửi của người dân, phục vụ cho mục đích của bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát.

Cùng với việc chỉ đạo các Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB qua các thời kỳ ban hành Nghị quyết, Quyết định... có lợi cho cá nhân, pháp nhân thuộc Vạn Thịnh Phát, người phụ nữ này còn ra lệnh cho thân tín họp bàn, lên phương án rút tiền từ Ngân hàng SCB một cách tinh vi.

Trong 10 năm (từ 2012-2022), bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ruột ngân hàng. Vì là các khoản vay khống nên khi đến hạn không trả được nợ, bà Lan và thân tín tiếp tục tạo các khoản vay khống khác, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, thiệt hại ngày càng lớn.

Ông Hồ Bửu Phương – Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được xác định có hành vi giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội. Trong nhiều năm làm việc dưới trướng, ngoài nhiệm vụ chuyên môn về tài chính, Phương được bà Lan chỉ đạo phối hợp bàn bạc, lên chiêu thức rút ruột SCB.

Trong các cuộc họp và những bữa ăn trưa, ăn tối nội bộ, bà Trương Mỹ Lan nhiều lần chỉ đạo Hồ Bửu Phương phối hợp với Văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát, bà Nguyễn Phương Anh – nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula tạo lập các hợp đồng hứa mua hứa bán cổ phần do nhóm công ty Nguyễn Phương Anh phụ trách.

Đại án Vạn Thịnh Phát: Những buổi họp, bữa cơm trị giá gần 300.000 tỷ đồng ảnh 2
Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (thuộc Vạn Thịnh Phát) có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, là liên danh chủ đầu tư dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị rộng gần 118ha ở Q.7, TP.HCM.

Bà Lan giao cho Nguyễn Phương Anh nhiệm vụ theo dõi dòng tiền và phụ trách hoạt động đầu tư, kế toán, tài chính của các công ty thuộc nhóm Peninsula. Bà Trương Mỹ Lan lệnh cho Phương Anh làm đầu mối phối hợp cùng các thân tín của Lan tại Ngân hàng SCB thực hiện hợp thức hoá giấy tờ.

Căn cứ nhu cầu sử dụng tiền của Trương Mỹ Lan do thân tín tại SCB cung cấp, Phương Anh đề nghị Văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát cung cấp thông tin các công ty, cá nhân đang không có dư nợ, chưa sử dụng đến hoặc thành lập pháp nhân mới để vay vốn SCB, chỉ đạo các nhân viên tại Peninsula thành lập công ty “ma” để hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ, chứng từ.

Sau khi khoản vay được SCB chấp thuận giải ngân, Nguyễn Phương Anh báo cáo Hồ Bửu Phương để xin “giải quỹ" các khoản vay. Các khoản vay này được giải ngân trực tiếp cho các công ty thụ hưởng cuối cùng với giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Peninsula phối hợp với thân tín của Trương Mỹ Lan lấy phương án “hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần” khống đã được lập trước đó làm căn cứ chuyển tiền cho các cá nhân và rút tiền. Sau đó, nhóm này lập các chứng từ thu chi để sử dụng các khoản tiền được giải ngân cho mục đích của Trương Mỹ Lan.

Đại án Vạn Thịnh Phát: Những buổi họp, bữa cơm trị giá gần 300.000 tỷ đồng ảnh 3
Sau khi rút ruột ngân hàng SCB, nhóm Vạn Thịnh Phát sẽ lập các chứng từ thu chi để sử dụng các khoản tiền được giải ngân cho mục đích của Trương Mỹ Lan.

Kết quả điều tra xác định, từ 1/2018 – 10/2022, thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Nguyễn Phương Anh đã lập, quản lý, theo dõi, sử dụng 290 pháp nhân và 188 cá nhân để tạo lập hồ sơ 709 khoản vay. Tổng số tiền giải ngân là hơn 411.000 tỷ đồng, đến 17/10/2022 còn dư nợ hơn 534.700 tỷ đồng, bao gồm gốc và lãi.

Căn cứ kết quả xác minh tại Ngân hàng SCB và lời khai các đối tượng liên quan, tài liệu, dữ liệu thu thập được..., xác định hành vi của Nguyễn Phương Anh (và hàng loạt cá nhân khác) giúp sức cho Trương Mỹ Lan tham ô tài sản, liên đới chiếm đoạt số tiền hơn 297.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền nợ lãi phát sinh hơn 128.700 tỷ đồng. Con số này gần bằng tổng số tiền bà Lan chiếm đoạt trong vụ án là 304.000 tỷ đồng và lãi phát sinh hơn 129.000 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xét vai trò của Nguyễn Phương Anh là người làm công hưởng lương, làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, không được bàn bạc, trao đổi hoặc hứa hẹn cho hưởng lợi gì ngoài lương, thưởng và chính sách hợp đồng lao động; ăn năn hối cãi, thành khẩn khai báo... nên đề nghị xem xét khi lượng hình.

Đối với Hồ Bửu Phương có hành vi trực tiếp lên phương án, công thức áp đơn giá chuyển nhượng cổ phần, thống nhất với Nguyễn Phương Anh tạo lập hợp đồng khống nhằm hợp thức hoá hồ sơ chuyển tiền, rút tiền giúp sức cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản, gây thiệt hại rất lớn. Phương cũng thừa nhận hành vi phạm tội.

Cùng chuyên mục

Xây dựng Hòa Bình lý giải nguyên nhân lỗ thêm 333 tỷ đồng sau kiểm toán
Sự chênh lệch giữa lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi được kiểm toán và số liệu báo cáo tài chính do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tự lập giảm 333 tỷ đồng đã được giải trình chi tiết tới Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, theo thông cáo phát đi từ đơn vị này ngày 1/4/2024.
Cát Tường Group: Nợ thuế tăng mạnh, hàng tồn kho phình to
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả Cát Tường Group đạt 1.933 tỉ đồng, tăng thêm 679% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý khi Cát tường Group đã phát sinh khoảng 1.436 tỉ đồng nợ vay tài chính, trong khi hồi đầu năm không ghi nhận.

Tin mới