Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 28/06/2022 15:10 (GMT+7)

Đại diện Bộ Y tế nêu lợi ích khi tiêm mũi 4, khẳng định: Không có chuyện thừa vắc xin Covid-19

Theo các chuyên gia Bộ Y tế, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc tiêm các mũi nhắc lại vắc xin Covid-19 là cần thiết để tránh dịch bùng phát trở lại trên diện rộng.

Đã ghi nhận biến thể phụ BA.5

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho biết qua xét nghiệm tại các bệnh viện, hiện Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.5 của virus corona – biến thể được cho là có sự lây nhiễm rất cao. Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện, các nước Châu Âu đang lo ngại bùng phát đợt dịch Covid-19 mới. Tại khu vực châu Phi có sự gia tăng số ca mắc, tử vong. Khu vực Tây Thái Bình dương có sự gia tăng ca tử vong. "Điều đó cho thấy tính chưa ổn định của dịch Covid-19. Đặc biệt, việc một số nước hiện nay ghi nhận sự xâm nhập của biến thể BA.4, BA.5 làm gia tăng số ca nhiễm mới".

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết trong 2 tháng qua, số ca nhiễm tại Việt Nam giảm mạnh, ghi nhận thêm 130 nghìn ca mắc mới, 63 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong trên số ca mắc thấp, khoảng 0,05%. Trong đó, khu vực phía Bắc ghi nhận hơn 106 nghìn ca mắc mới, cao gấp 10 lần miền Nam và đứng thứ 3 là miền Trung với 8.890 ca mắc mới.

Theo ông Lân, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch Covid-19, dịch có thể diễn biến phức tạp, gia tăng trở lại. Omicron là biến thể phổ biến nhưng chưa phải cuối cùng.

"Khi có sự xâm nhập của chủng mới, nguy cơ chủng này có thể lấn lướt chủng cũ", ông Lân nhấn mạnh.

Đó cũng là ý do ông Lân nhấn mạnh các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Đại diện BYT nêu lợi ích khi tiêm mũi 4, khẳng định: Không có chuyện thừa vắc xin Covid-19 - Ảnh 1.
GS. Lân chia sẻ tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Minh.

Lợi ích của mũi tiêm nhắc lại

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Dịch tễ Trung ương, cho biết hiện nay Việt Nam là nước có tỷ lệ tiêm chủng mũi cơ bản vắc xin Covid-19 cao với trên 228 triệu mũi đã được tiêm chủng; công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế.

Trong thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vắc xin Covid-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc xin đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vắc xin ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng Covid-19.

Theo bà Hồng, hiện nay nhiều người dân khi đã tiêm xong liều cơ bản, sau đó có mắc Covid-19, có sự chủ quan không tiêm mũi nhắc lại. Tuy nhiên, kháng thể sau mắc Covid-19 sẽ không bền vững cho nên vẫn cần phải tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, 4).

Bà Hồng cũng khẳng định, không có chuyện thừa vắc xin Covid-19 như những thông tin không đúng đang được chia sẻ trên mạng. Việc người dân không tiêm mũi nhắc lại khiến dịch Covid-19 hoàn toàn có thể quay trở lại.

Đại diện BYT nêu lợi ích khi tiêm mũi 4, khẳng định: Không có chuyện thừa vắc xin Covid-19 - Ảnh 2.
Tiêm mũi nhắc lại giảm nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh minh hoạ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch Covid-19. Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin phòng Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến thể mới.

Đối với biến thể Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến thể virus SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Người đã từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm Covid-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến thể mới.

TS.BS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám – Chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay tại Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.

Các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ của vắc xin để phòng mắc Covid-19 là trên 50%.

Ông Dương cho biết thêm, một nghiên cứu gần đây do Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM (Tạp chí Y học New England) công bố hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, cụ thể như sau:

- Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 là 52%;

- Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%;

- Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc Covid-19 là 72%;

- Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%;

- Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 là 76%.

Việt Nam cũng cần phải ưu tiên tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch, nguy cơ phơi nhiễm cao.

Cùng chuyên mục

Nhiều học sinh Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên nhập viện
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên, trong kỳ nghỉ lễ 2/9, sau tiếp nhận thông tin 3 học sinh Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên mắc bệnh, phải chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên phối hợp Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên thực hiện điều tra, giám sát các trường hợp cụ thể.
Đồng Nai ghi nhận ca bệnh từ vi khuẩn Whitmore đầu tiên
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đến ngày 3/9, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi T.T.D.M., (14 tuổi, ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore đã ổn định và đang tiếp tục điều trị theo phác đồ, dự kiến 2 tuần nữa bệnh nhi được xuất viện. Đây là ca bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore đầu tiên ghi nhận ở Đồng Nai.
Phú Thọ: 152 công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam ổn định sức khỏe, được ra viện
Sau 2 ngày được điều trị kịp thời theo quy trình và đúng phác đồ của Bộ Y tế, chiều ngày 30/8/2024, 152 công nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam (Lô CN 5, Cụm công nghiệp Hoàng Xá, Huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ) đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Việt Nam có thêm vaccine mới phòng 23 chủng phế cầu nguy hiểm
Hệ thống tiêm chủng VNVC chính thức đưa vào tiêm chủng vaccine mới phòng 23 chủng vi khuẩn phế cầu gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như: Viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi kèm nhiễm trùng huyết và viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.

Tin mới