Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 11/05/2020 09:50 (GMT+7)

Đắk Lắk điều tra 4 công ty lâm nghiệp vì để mất rừng

UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất của Công an tỉnh về việc giải quyết vụ việc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp khi liên tục để mất rừng.

Theo báo Nhân dân, sáng 9/5, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã đồng ý đề xuất của Công an tỉnh về việc giải quyết vụ việc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bốn Công ty TNHH MTV lâm nghiệp khi liên tục để mất rừng với quy mô lớn, nhưng những người đứng đầu công ty chỉ bị xử lý kỷ luật hoặc được thăng chức cao hơn.

Bốn công ty lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Cư M’lan, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ya Lốp và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea H’mơ, đều nằm trên địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định thành lập tổ công tác do thành viên sở này làm tổ trưởng trước ngày 10/5, những thành viên còn lại trong tổ công tác này thuộc Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Sở Tư pháp và UBND huyện Ea Súp.

Tổ công tác này có chức năng rà soát, thu thập toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc, hiện trạng, phương án sử dụng đất đối với bốn công ty lâm nghiệp nêu trên. Kiểm tra đánh dấu lại số lượng kiểm kê rừng đã được phê duyệt năm 2014 có bảo đảm chính xác hay không…

Đây là bốn công ty lâm nghiệp đã để mất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép với quy mô lớn, trong một thời gian dài mà nguyên nhân được cho là do sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu các công ty. Tuy nhiên, sau đó những người đứng đầu công ty này chỉ bị xử lý kỷ luật hoặc được thăng chức cao hơn.

Theo thông tin trên báo Tiền phong, năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Cty Rừng Xanh gần 14 nghìn ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã Ea Rốk và Cư Kbang. Từ 2010-2016, do quản lý không chặt chẽ, đơn vị này đã để lấn chiếm, xâm canh trái phép hơn 2.270 ha (trong đó có hơn 1.626 ha rừng tự nhiên).

Theo Thanh tra Đắk Lắk, tại thời điểm thanh tra (năm 2018), Cty Rừng Xanh chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT; cho ông Lang Văn Tăng (cán bộ công ty) mượn đất xây trụ sở, rồi xây dựng nhà ở của mình cố định từ năm 2009 đến nay là không đúng quy định Luật đất đai.

Cơ quan chức năng xác định, để xảy ra những sai phạm nói trên thuộc về ông Nguyễn Văn Đính – Giám đốc và những người có liên quan của Cty Rừng Xanh.

Tiếp đến là Cty Cư Mlan được UBND tỉnh Đắk giao hơn 15.700 ha rừng và đất rừng (trong đó hơn 11.500 ha thực hiện vào mục đích đất nông nghiệp; hơn 3.100 ha còn lại là rừng phòng hộ). Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn công ty để mất hơn 10.500 ha rừng và đất rừng; lập 2.643 biên bản vi phạm với diện tích bị phá hơn 4.000 ha, nhưng không có giá trị pháp lý; không chuyển hồ sơ các vụ vi phạm hình sự cho công an xử lý; chiếm dụng 1,5 tỷ đồng kinh phí quản lý và bảo vệ rừng sản xuất nghèo kiệt năm 2013, 2014; nợ 16 tháng lương cán bộ, công nhân viên… Ông Nguyễn Hữu Thu – nguyên Giám đốc công ty và cấp phó là ông Nguyễn Văn Quyến bị UBKT Huyện ủy Ea Súp kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo.

Sau khi thực hiện lệnh của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng, 2 công ty nói trên gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ giải thể. Năm 2017, Cty Rừng Xanh và Cty Cư M’lan sáp nhập lại thành công ty hai thành viên với tên gọi mới: Cty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk (Cty Lâm nghiệp Đắk Lắk). Bản thân ông Nguyễn Văn Quyến sau khi hết án kỷ luật lại được UBND tỉnh Đắk Lắk ủy quyền làm người đại diện phần vốn của nhà nước từ ngày 1/1/2019, với chức vụ Phó Tổng giám đốc Cty Lâm nghiệp Đắk Lắk, tiếp tục làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Đáng lưu ý, ông Quyến còn sở hữu 2 căn nhà gỗ quý đồ sộ ngay tại trung tâm Thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) "tạo dư luận không tốt" (kết luận của Ủy ban Kiểm tra huyện ủy).

Cùng chuyên mục

Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: VKS đề nghị y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan
Ngày 15/11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia
Các ông chủ người Trung Quốc thuê những toà nhà trong khu đô thị thu nhỏ giữa rừng ở Campuchia, sát biên giới Thái Lan làm căn cứ. Dưới trướng có nhiều người Việt quản lý, tiến hành tuyển lao động phổ thông đưa sang Campuchia, lừa gia nhập đường dây lừa đảo công nghệ cao mà thị trường hướng đến là cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhất là các quốc gia có đồng tiền giá trị cao như Mỹ, Úc, Canada….

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...