Đăng ký thường trú thì có bắt buộc phải nộp giấy xác nhận không tranh chấp nhà đất hay không?
Tôi đang định đi đăng ký thường trú. Cho tôi hỏi có cần mang theo giấy xác nhận không tranh chấp nhà đất không?
Tại khoản 3 Điều 23 Luật cư trú năm 2020 quy định về các địa điểm không được đăng ký thường trú mới là: “3. Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật”. Theo đó, trường hợp nhà đất mà đang có tranh chấp, chưa được giải quyết theo quy định pháp luật thì không được thực hiện việc đăng ký thường trú.
Theo quy định tại Điều 21 Luật cư trú năm 2020 thì một trong các tài liệu có trong hồ sơ đăng ký thường trú là: “Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP thì Công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:
- Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
Theo đó, nếu bạn không có một trong các giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy phép xây dựng nhà; Hợp đồng mua bán, … thì khi làm thủ tục đăng ký thường trú bạn cần phải có Giấy xác nhận của UBND cấp xã xác nhận về nhà ở, đất ở của bạn không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Khi thực hiện đăng ký thường trú tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bạn cần thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 22 Luật cư trú năm 2020:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Bạn nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú. Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên chúng tôi không xác định bạn đăng ký thường trú theo trường hợp nào nên tùy từng trường hợp thì hồ sơ đăng ký thường trú của bạn phải đáp ứng được theo quy định tại Điều 21 Luật cư trú năm 2020.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Trả kết quả
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.