‘Đất trời trải rộng nhớ về Long An’…
Trích câu thơ trong bài “Láng Sen – Miền thượng” của tác giả Trương Hòa Bình.
Tôi tình cờ được xem trọn vẹn chương trình giới thiệu tập thơ của tác giả Trương Hòa Bình (nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ) trên kênh truyền hình HTV9 tối 27/7/2021. Gồm cả bình luận và ca nhạc. Những bài hát được trình bày trong chương trình do các nhạc sĩ phổ nhạc từ những vần thơ chạm đến trái tim người xem và của chính tác giả Trương Hòa Bình. Suốt 90 phút tràn ngập tình yêu thương con người và quê hương xuyên suốt tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi”…
Nhà thơ Triệu Từ Truyền, người tham gia bình luận trên chương trình này, cho biết, ông rất thú vị khi xem tập thơ của tác giả Trương Hòa Bình. Thú vị bởi những bài thơ mang đậm dấu ấn, tình cảm của quê hương đất nước từng vùng miền mà tác giả có dịp đi qua. Thú vị hơn là bởi bởi cái hồn của những vần thơ đầy khí chất Nam bộ và sự chân thành, giản dị của tác giả. Và, điều thú vị hơn nữa, đây còn là một tự tình lãng mạn và tràn đầy xúc cảm của một chính khách…
Trong lời giới thiệu mở đầu tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi”, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ viết: “Đọc “Tiếng vọng hồn sông núi”, có lẽ nhiều người trong chúng ta đều thấy và cảm sâu một điều: Thơ Trương Hòa Bình đa diện về đề tài, đa dạng về cách thể hiện, đa thanh về cảm xúc, nổi rõ nhất là tình cảm chân thành, sâu lắng, nồng nhiệt, nhân văn…”.
Tác giả Trương Hòa Bình vốn hòa đồng, gắn bó với mọi người. Anh thích làm thơ, đọc thơ, ca cải lương, hát mấy câu vọng cổ và những bài hát nồng nàn, cháy bỏng tình yêu quê hương Long An và cả vùng đất Nam bộ yêu mến của anh. Đương nhiên, không chỉ yêu vùng đất mà cha ông thuở trước “đi mở cõi”, anh còn yêu tha thiết, nhiệt thành các vùng quê khác trên đất nước Việt Nam yêu thương, cả những địa danh bên ngoài mà anh có dịp đến công tác.
Nếu ai đó nói rằng, trong mỗi con người trên dải đất hình chữ S đều ẩn chứa một tâm hồn, một tố chất của người làm thơ, cao hơn là nhà thơ, thì anh Sáu Bình là một ví dụ giản dị và thuyết phục. Đến đâu, làm gì, vui vẻ hay căng thẳng, thì đêm đến, những con người, những sự việc, những địa danh mà anh gặp… đều được tái hiện bằng cảm xúc thơ, văn của anh. Bận quá thì ghi lại trên điện thoại cầm tay, viết vội vào mẫu giấy nhỏ trên đường thiên lý…
Mạch tình cảm thương nhớ đó, đúng hơn là lý tưởng thẩm mỹ của tác giả Trương Hòa Bình xuyên suốt cả tập thơ như những mao mạch từ một nguồn động mạch chảy theo nhịp đập của một con tim tràn đầy tính nhân văn và khát vọng. Dường như bài thơ nào cũng nằm trong quỹ đạo thống nhất này, bất kể đó một bài thơ về chủ đề quê hương, tình yêu hay huyền thoại. Tác giả đã gửi gắm, trang trải vào những vần thơ tiếng lòng sâu nặng của mình đối với Long An nói riêng, mở rộng ra là Tổ quốc Việt Nam muôn phần tươi đẹp, nhưng đầy gian truân và bão tố.
Trải dọc suốt tập thơ là những bài viết về những dòng sông. Chủ đề này dường như là một phản xạ tự nhiên về mạch cảm xúc, bởi tác giả của nó sinh ra ở miền sông nước Nam Bộ. Những dòng sông gắn bó hữu cơ với cuộc sống thường ngày, những buồn vui từ thuở ấu thơ đến tuổi trưởng thành, như những chứng nhân đi suốt cuộc đời qua bao thăng trầm và biến cải không chỉ riêng ông mà của cả mọi vùng quê đất nước…
“Trên chặng hành trình hàng mấy chục năm, bất cứ nơi nào, gặp những con sông, dù là miền Bắc, miền Trung, hay miền Nam, thậm chí ở nơi cách xa Tổ quốc hàng vạn dặm, trong lòng tác giả đều trỗi dậy một tình yêu tự nhiên và đằm thắm. Nhưng chắc chắn tình yêu lớn nhất, máu thịt nhất, là tác giả dành cho dòng sông Vàm Cỏ, miền sông nước Long An, nơi ông đã trưởng thành. Những câu thơ ông miêu tả vùng quê nghèo, giống như bức tranh vẽ nên làng quê đậm đà chất Nam Bộ” - Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã viết về tác giả Trương Hòa Bình với sự chân thành!
“…Ai ơi biển lúa hồn quê
Đất trời trải rộng nhớ về Long An
Một vùng Đồng Tháp minh mang (Từ địa phương)
Quê hương miền thượng gió ngàn nắng hanh
Dòng sông in bóng trời xanh
Chở tình non nước ngọt lành phù sa
Gió đùa cây cỏ lá hoa
Đất trời sông nước giao hòa đồng bưng
Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng
Mấy mùa nước nổi ngập rừng tràm xanh
Chim trời cá nước bơi nhanh
Không gian tĩnh lặng yên lành lắm thay
Lúa vàng nặng hạt từng ngày
Cánh đồng mẫu lớn đổi thay cuộc đời…”
Nhà thơ Thanh Thảo nói: “Tôi yêu thơ anh vì cái tình đắm đuối sâu nặng với quê hương mình, rộng ra, với cả đất nước mình. Người sao, thơ vậy. Trương Hòa Bình thật thà, đôn hậu bao nhiêu, thì thơ anh mộc mạc, hồn nhiên mà sinh động bấy nhiêu…”- Đơn cử những thi từ trong bài “Láng Sen –Miền thượng” nói trên.
“…Là một người làm thơ coi trọng yếu tố truyền thống, lại có duyên may đi đến nhiều nơi trên đất nước mình. TrươngHòa Bình đã ghi lại bằng vần điệu những điều ông chứng kiến và trải nghiệm. Những bài thơ của ông ra đời trước hết là nhờ tác động của ngoại cảnh, đồng thời cũng là kết quả của tình yêu quê hương từ một tấm lòng rộng mở để đón nhận những âm thanh, màu sắc của đời sống và lắng nghe tiếng nói của đồng bào ruột thịt. Tác giả tập thơ này luôn có lòng tự hào khôn xiết với tiền nhân, với tấm gương anh hùng hào kiệt. Ông viết về hào khí Đông A mà như gửi gắm các thế hệ hậu bối bây giờ”- Giáo sư Huỳnh Như Phương viết trong tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” của tác giả Trương Hòa Bình.
Sài Gòn, tháng 7/2021
Bài, ảnh: Giản Thanh Sơn
Tác giả Trương Hòa Bình, sinh năm 1955.
Quê quán: xã Long Đước Đông, huyện Cần Giuộc – tỉnh Long An.
- Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII
- Bí thư Trung ương Đảng khóa XI
- Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII
- Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII, XIII, XIV
- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…
Tập thơ dày hơn 300 trang, khổ 17x24 do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành.
Gồm 3 phần: 1/Dặm đường thiên lý; 2/Linh thiêng Việt Nam; 3/Những ngọn gió đam mê