Dạy và học trên môi trường số sẽ là hoạt động thiết yếu
Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, mà còn là thay đổi hoạt động dạy và học bẳng cách chuyển đổi phương pháp giảng dạy, thay đổi kỹ thuật quản lý lớp, tương tác với người học bằng không gian số…
Khai thác tối đa tiến bộ công nghệ
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nền giáo dục nước ta đã có những bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng; nâng cao hiệu quả dạy và học.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hướng đến đổi mới phương thức giáo dục dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiến bộ công nghệ tạo đột phá. Mục tiêu để giúp giáo viên dạy tốt hơn, học trò học dễ hơn, quản lý giáo dục nhẹ nhàng hơn.
Mục tiêu phổ cập và chuẩn hóa giáo dục mầm non đề ra cơ bản đã hoàn thành, 100% đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi... Đặc biệt, sau quá trình nhiều năm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo đã có được một số kết quả cơ bản.
Tại Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường 4.0 năm 2022 diễn ra gần đây, TS Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Cổng thông tin tuyển sinh đã trở nên phổ biến, các cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến đại học đã có website, thư điện tử, văn bản điện tử, sử dụng phần mềm, nền tảng công nghệ để quản lý các cơ sở giáo dục.
Về việc dạy - học - kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát triển kho học hiệu số dùng chung gồm bài giảng trực tuyến E-learning (gần 5.000 bài giảng), bài dạy trên truyền hình (hơn 2.000 video bài giảng), 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa, trên 7.5000 luận án tiến sỹ, cuộc thi bài giảng điện tử... Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả kho dữ liệu dùng chung để phục vụ các hoạt động giáo dục, đào tạo. Ông Tô Hồng Nam khẳng định, đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy - học trên môi trường số trở thành hoạt động thiết yếu, hàng ngày với giáo viên, học sinh. Song song với đó, hoạt động đổi mới phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ, dữ liệu số, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hướng đến đổi mới phương thức giáo dục dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiến bộ công nghệ tạo đột phá. Mục tiêu để giúp giáo viên dạy tốt hơn, học trò học dễ hơn, quản lý giáo dục nhẹ nhàng hơn. Chuyển đổi số giáo dục hướng đến việc con người là trung tâm. Lợi ích mang lại cho người học, người dạy và mọi người dân là thước đo để đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Còn nhiều thách thức
Trên thực tế, chuyển đổi số trong giáo dục là xu hướng tất yếu của giáo dục toàn cầu trong thế kỷ 21. Giáo dục số không chỉ là sử dụng các nền tảng giao tiếp trực tiếp, ứng dụng các phần mềm để hỗ trợ công tác giảng dạy mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công cũng như tác động làm thay đổi cách thức quản lý và vận hành môi trường giáo dục.
Theo ông Lê Trung Nghĩa, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển tài nguyên giáo dục, yếu tố năng lực số của tổ chức, doanh nghiệp, công dân là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công. Đối với ngành giáo dục, chuyển đổi số không chỉ là việc chuyển đổi các hoạt động nghiệp vụ giáo dục - đào tạo vào môi trường số, quan trọng hơn là giáo dục để các tổ chức, doanh nghiệp, người dân có đầy đủ các năng lực số, phục vụ cho chương trình chuyển đổi số quốc gia...
Tuy nhiên, ông Nghĩa thừa nhận, hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế khi triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, chẳng hạn hành lang pháp lý, chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi số, thiếu cơ chế cho phép thử nghiệm các mô hình, sản phẩm giáo dục mới. Nhận thức vai trò chuyển đổi số và trang bị kỹ năng số chưa đều. Tài nguyên số còn chưa phát triển cập nhật, theo kịp yêu cầu thực tế; chưa thu hút được sự tham gia xây dựng, khai thác...
Cũng theo nhiều giáo viên trong ngành, nguồn lực đầu tư chuyển đổi số của các cấp trong ngành giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục vẫn còn hạn chế và ít ỏi vì thiếu cơ chế huy động nguồn xã hội hóa. Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới, do đó, muốn chuyển đổi số thành công, đòi hỏi toàn ngành giáo dục phải linh hoạt khắc phục các điểm hạn chế, sáng tạo trong huy động nguồn vốn xã hội hóa, nỗ lực hơn nữa để vượt qua được những thách thức của quá trình đổi mới.