Học sinh trường tư được giảm học phí thế nào từ năm học 2025 - 2026?
Khác với hệ thống trường công lập, hầu hết các trường tư đều đưa ra mức học phí cao, có trường thu học phí lên đến vài chục triệu đồng/tháng.
Ngày 28/02, Bộ Chính trị đã đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến giáo dục phổ thông trên cả nước. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025 - 2026 (tháng 09/2025).
Ngay sau khi thông tin này công bố, nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi về việc học sinh trường tư thục có được quyền hưởng chính sách tương tự không và nếu có thì quy định ra sao?

Theo Bộ GD&ĐT, đối với học sinh trường dân lập, tư thục từ tháng 9/2025 được cấp bù học phí bằng mức học phí của trường công lập theo quy định của pháp luật; phần chênh lệch học phí giữa trường công lập và dân lập, tư thục sẽ do gia đình học sinh chi trả.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 23,2 triệu học sinh (chưa bao gồm học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên). Trong đó, có 3,1 triệu trẻ dưới 05 tuổi; 1,7 triệu trẻ 05 tuổi; 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu em ở cấp THCS và cấp THPT là 03 triệu em.
Để thực hiện chính sách miễn toàn bộ học phí cho học sinh công lập cả nước sẽ cần tới 30.000 tỉ đồng/năm học (tính theo mức đóng năm học 2024 - 2025 được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Trên thực tế, mức ngân sách này sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh thành theo thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hàng năm.
Bộ GD&ĐT đánh giá, học phí ảnh hưởng tới hầu hết các gia đình, là vấn đề dư luận xã hội quan tâm mỗi khi bắt đầu năm học mới.
Nếu thực hiện chính sách miễn học phí cho toàn bộ trẻ em mầm non đến THPT trên cả nước sẽ góp phần quan trọng làm tăng chất lượng giáo dục, được sự đồng thuận cao của xã hội, phù hợp với ưu việt của chế độ, chủ trương của Đảng, Nhà nước với giáo dục và phù hợp với xu thế chung của các nước phát triển.