Đề xuất 03 cấp độ công nhận chất lượng bệnh viện
Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng bệnh viện.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết, việc đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng nhằm duy trì và cải tiến chất lượng các hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cung cấp thông tin để người bệnh và các bên chi trả có thể lựa chọn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp; làm căn cứ để kiến nghị xử lý vi phạm và khen thưởng.
Theo dự thảo, quy trình đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng được thực hiện theo các bước sau: 1- Tự đánh giá (do bệnh viện thực hiện); 2- Đánh giá bên ngoài (do đoàn đánh giá độc lập hoặc đoàn đánh giá của cơ quan quản lý); 3- Tổ chức đánh giá bên ngoài chứng nhận mức chất lượng bệnh viện; 4- Báo cáo kết quả đánh giá và chứng nhận về cơ quan quản lý Nhà nước về y tế (Bộ Y tế); 5- Cơ quan quản lý Nhà nước về y tế (Bộ Y tế) công nhận mức chất lượng bệnh viện.
Chu kỳ đánh giá và thời hạn chứng nhận chất lượng được dự thảo nêu rõ như sau: Tự đánh giá do bệnh viện: thực hiện ít nhất 01 lần trong năm; đánh giá ngoài do đoàn đánh giá của cơ quan quản lý: thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế hằng năm; đánh giá ngoài do đoàn đánh giá của tổ chức độc lập thực hiện sau khi có đề nghị chính thức của bệnh viện.
Bên cạnh đó, bệnh viện sau khi thành lập được thực hiện đánh giá chất lượng sau khi được cấp giấy phép hoạt động ít nhất đủ 12 tháng. Các bệnh viện sau khi thành lập được đề nghị cơ quan quản lý đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng trong vòng 3 năm kể từ khi chính thức hoạt động.
Dự thảo nêu rõ, việc đánh giá, xếp mức và chứng nhận chất lượng bệnh viện căn cứ trên các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành. Việc khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế để cung cấp thông tin cho đánh giá chất lượng căn cứ trên bộ câu hỏi khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế do Bộ Y tế ban hành.
Việc đánh giá chất lượng theo các chuyên đề xét nghiệm, an toàn phẫu thuật và các tiêu chuẩn chất lượng lâm sàng, cận lâm sàng khác căn cứ trên các tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành.
Bộ công cụ được sử dụng để đánh giá chất lượng bệnh viện trong Thông tư này gồm các bộ công cụ như sau: 1- Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành; 2- Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành; 3- Tiêu chuẩn chất lượng nâng cao đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành; 4- Tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành.
Cũng theo dự thảo Thông tư của Bộ Y tế, kết quả đánh giá chất lượng theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành được xếp theo các mức như sau: Mức 1: Chất lượng kém; mức 2: Chất lượng trung bình; mức 3: Chất lượng khá; mức 4: Chất lượng tốt; mức 5: Chất lượng rất tốt.
Kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành được xếp theo các mức như sau: 1- Đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản; 2- Không đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản.
Kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng nâng cao đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành được xếp theo các mức như sau: 1- Đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia; 2- Đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia xuất sắc; 3- Không đạt tiêu chuẩn chất lượng nâng cao.
Kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành được xếp theo các mức như sau: 1- Đạt tiêu chuẩn chất lượng của chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật; 2- Đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt của chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật; 3- Không đạt tiêu chuẩn chất lượng của chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật.
Sau khi tổng hợp toàn bộ kết quả chứng nhận chất lượng do cơ quan, tổ chức đánh giá bên ngoài thực hiện, Bộ Y tế công nhận các mức chất lượng bệnh viện như sau: 1- Bệnh viện đạt chất lượng cấp cơ bản; 2- Bệnh viện đạt chất lượng cấp quốc gia; 3- Bệnh viện đạt chất lượng cấp quốc gia xuất sắc.