Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 13/02/2024 14:22 (GMT+7)

Đề xuất 4.200 tỷ đồng cho dự án cải tạo hồ Tây

Quận Tây Hồ vừa đề xuất UBND TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường hồ Tây với tổng kinh phí 4.200 tỉ đồng.

Thông tin từ Cổng TTĐT Chính phủ trang TP Hà Nội, quận Tây Hồ vừa qua đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường hồ Tây.

Để bảo tồn và khai thác tiềm năng của hồ Tây, quận Tây Hồ cho biết, thời gian tới đơn vị này sẽ nghiên cứu quy hoạch tổng thể về hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ cho việc khai thác các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Quận Tây Hồ cũng sẽ nghiên cứu phương án để cải thiện chất lượng môi trường nước hồ, cải thiện không gian sinh sống của các loài thủy sản của hồ; tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý việc nuôi trồng và khai thác thủy sản trên hồ Tây.

Trong đó, quận Tây Hồ nghiên cứu đánh giá thực trạng hệ sinh thái hồ Tây để có các giải pháp bảo đảm cân bằng như đánh tỉa cá rô phi và thả bù các loại khác…

Để thực hiện những mục tiêu trên, quận Tây Hồ đề xuất UBND TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí. Theo đó, tổng mức đầu tư để nạo vét, cải tạo môi trường hồ Tây khoảng 2.000 tỷ đồng; xây dựng các bến thủy nội địa trên hồ cần khoảng 1.600 tỷ đồng và đài phun nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh khoảng 600 tỷ đồng. Tổng kinh phí cho ba hạng mục là 4.200 tỷ đồng.

Do phải cân đối nguồn vốn để duy trì, bảo đảm vệ sinh môi trường Hồ Tây và thực hiện các dự án đầu tư công khác theo phân cấp, quận đề xuất được triển khai các dự án trên bằng nguồn kinh phí hỗn hợp.

Cụ thể, quận chủ động cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng, thành phố bố trí kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội trong hai giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Trước đây, tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2016, quận Tây Hồ báo cáo từ năm 2011 quận đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây với tổng vốn 128 tỷ đồng. 440.000m3 bùn đã được nạo vét.

Song gói thầu nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ đồng bị tạm dừng để đánh giá lại sau sự cố cá chết hàng loạt. Theo một đơn vị tư vấn, muốn làm sạch Hồ Tây phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, nhưng 8 năm qua không có thông tin công khai việc nạo vét sau đó có được tiếp tục hay không.

Bên cạnh đề xuất hàng nghìn tỷ nêu trên, UBND quận Tây Hồ mới đây đã tổ chức lễ ra mắt Ban Quản lý Hồ Tây. Việc thành lập Ban Quản lý Hồ Tây là dấu mốc quan trọng trong bước chuyển giao Hồ Tây về cho quận Tây Hồ quản lý thay vì 8 sở ngành cùng quản lý như trước đây.

Theo đó, Ban Quản lý Hồ Tây là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận Tây Hồ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Ban Quản lý Hồ Tây giúp việc cho UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận theo quy định hiện hành.

Ban Quản lý Hồ Tây là cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc cho UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ quản lý Hồ Tây và vùng phụ cận trong phạm vi được giao theo quy định của UBND thành phố.

Ban Quản lý Hồ Tây chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các đề án, kế hoạch, quy hoạch về quản lý, đầu tư, sử dụng, khai thác Hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan, môi trường, đảm bảo cho việc phát triển bền vững khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận.

Ban cũng thực hiện một số chức năng của chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận khi được ủy quyền.

Với việc ra mắt nêu trên, có thể thấy khi được duyệt ngân sách, cơ quan trực tiếp tham gia thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường hồ Tây có thể chính là Ban quản lý Hồ Tây. Trong lễ ra mắt, lãnh đạo quận Tây Hồ đã công bố ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch quận kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban quản lý Hồ Tây.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Dừng lưu thông và truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc
Đây là yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại Trung tâm do ngộ độc methanol, trong đó có một trường hợp từ Thái Nguyên và bốn trường hợp từ Thường Tín, Hà Nội cùng uống một loại rượu từ Thái Nguyên.