Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 16/04/2024 13:31 (GMT+7)

Đề xuất cách tính mức lương hưu hằng tháng

Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

Đề xuất cách tính mức lương hưu hằng tháng

Ảnh minh hoạ.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất đã đề xuất sửa đổi nhiều chính sách, trong đó có cách tính mức lương hưu hằng tháng.

Cụ thể, Điều 70 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội quy định mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 76 của Luật Bảo hiểm xã hội tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam và 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam đủ điều kiện quy định tại Điều 68 của Luật Bảo hiểm xã hội có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đủ điều kiện hưởng lương hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tính hưởng lương hưu dưới 15 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.

Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 69 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

Cũng theo dự thảo Luật, Chính phủ quy định chi tiết về mức hưởng và điều kiện hưởng lương hưu.

Như vậy, so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 31 diễn ra vào ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, hiện nay vẫn còn 06 vấn đề lớn trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), bao gồm: Về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần; về tác động của cải cách chính sách tiền lương; về tài chính bảo hiểm xã hội; về tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội trên môi trường giao dịch điện tử; về biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; về Bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau về quy định đối tượng là chủ hộ kinh doanh là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (điểm m khoản 1 Điều 3); về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội (Điều 19); về quản lý hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (Điều 118, 119 và 120). Ngoài ra, trong dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nêu 52 nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý; 16 nhóm nội dung mới so với Luật hiện hành.

Theo dự kiến, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, trình cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đầu tháng 5 miền Bắc có thể đón mưa rào và dông
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong những ngày nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, miền Bắc và miền Trung sẽ chịu tác động của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía tây hoạt động mạnh. Do đó khu vực này có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt.