Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 25/05/2024 07:19 (GMT+7)

Đề xuất chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất đã đề cập nội dung chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em.

Đề xuất chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng
Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Điều 10, dự thảo Luật quy định về quy tắc chung về giao thông đường bộ có nêu rõ, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành báo hiệu đường bộ và các quy tắc giao thông đường bộ khác.

Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.

Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp. Khi chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô mà không có người lớn ngồi cùng phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em.

Người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu, kiểm tra người trên xe thắt dây đai an toàn trong suốt quá trình xe chạy trên đường.

Người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ hoặc tại nơi mà người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường.

Có thể thấy trong các quy tắc đã nêu trên đáng chú ý có quy định khi chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô mà không có người lớn ngồi cùng phải có dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em. Đây là một quy định mới lần đầu được đề xuất trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Như vậy, nếu dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được chính thức thông qua thì sắp tới các vị phụ huynh cần chú ý chuẩn bị dây đai an toàn hoặc ghế ngồi riêng cho con em nhỏ tuổi của mình khi di chuyển bằng xe máy, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ và tuân thủ theo quy định mới.

Cùng liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại chương trình Kỳ họp thứ 7 diễn ra ngày 22/5, Quốc hội khóa XV đã thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại hội trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) đã đề nghị bổ sung nội dung "không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ xe chỉ có một hàng ghế" và bỏ nội dung "mà không có người lớn ngồi cùng" tại khoản 3, Điều 11.

Phân tích lý do vì sao "không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe", Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em, bất kể độ tuổi hay chiều cao, nên được ngồi ở ghế sau của xe ô tô khi tham gia giao thông. Vì vị trí ngồi sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe. Khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước.

Vị trí ngồi cùng hàng với người lái là vị trí nguy hiểm nhất trên xe ô tô. Đặc biệt, ngay khi túi khí bung ra, cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ em kể cả khi trẻ ngồi trong thiết bị an toàn quay mặt về phía sau. Nhiều hãng xe cũng thường xuyên khuyến cáo về việc không nên cho trẻ em ngồi ở hàng người lái.

Theo Đại biểu, đến năm 2023, 115 nước đã có luật cấm trẻ ngồi ghế trước, trong đó 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm trẻ em ngồi ghế trước nếu không ngồi trong thiết bị an toàn trên xe ô tô.

Về lý do cần bỏ nội dung “mà không có người lớn ngồi cùng” với trẻ em được chở trên xe ô tô và trên xe máy, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cách viết này sẽ gây hiểu lầm rằng dây đai an toàn/thiết bị an toàn sẽ không cần dùng nếu có người lớn ngồi cùng trẻ. Mà trẻ em được chở trên xe ô tô hoặc xe máy nghĩa là có ít nhất người lái xe (người lớn) ở cùng trên xe.

Luật không nên có cách hiểu khác nhau, người lớn ngồi cùng không thể thay thế thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô vì dây đai an toàn chỉ phù hợp với kích thước của người lớn và trẻ em từ 10 tuổi và cao 1,35m trở lên. Khi xảy ra va chạm, lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đập và bị thương nghiêm trọng.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...