Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 15/05/2023 15:34 (GMT+7)

Đề xuất nâng tốc độ tối đa trên đường cao tốc 4 làn xe lên 90km/h

Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, đủ cơ sở để nâng tốc độ tối đa đường cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế từ 80 km/h lên 90 km/h.

Qua nghiên cứu, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải nâng tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc 4 làn xe hạn chế đã và sắp đưa vào khai thác lên 90km/h với một số loại xe, thay vì 80km/h như hiện nay.

Cụ thể: với các tuyến cao tốc 4 làn xe hạn chế đã đưa vào khai thác như Mai Sơn - quốc lộ 45, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cục Đường cao tốc kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét nâng tốc độ tối đa lên 90 km/h đối với xe con, xe khách đến 30 chỗ (trừ xe buýt), xe tải đến 3,5 tấn. Các loại xe còn lại vẫn chạy theo tốc độ tối đa 80km/h như hiện nay.

Riêng đối với đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn do có một số đoạn cầu và đường đầu cầu không có dải phân cách giữa nên giữ nguyên tốc độ tối đa 80km/h như hiện nay.

Với các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe hạn chế như: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm…, Cục Đường cao tốc kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà đầu tư rà soát ngay phương án tổ chức giao thông để nâng tốc độ tối đa lên 90km/h đối với một số loại xe.

tm-img-alt
Đề xuất nâng tốc độ tối đa trên đường cao tốc 4 làn xe lên 90km/h (Ảnh: Internet).

Trên cơ sở đánh giá việc thực tiễn khai thác tốc độ tối đa 90km/h với một số loại xe trên cao tốc 4 làn xe hạn chế sẽ tiếp tục nghiên cứu nâng tốc độ tối đa lên 90km/h đối với xe khách trên 30 chỗ; xe tải trên 3,5 tấn, xe đầu kéo…

Theo Cục Đường cao tốc, để phù hợp với nguồn vốn khi nguồn lực kinh tế còn khó khăn, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua chủ trương phân kỳ đầu tư xây dựng một số tuyến với 4 làn xe (chiều rộng mỗi làn 3,5m), tốc độ thiết kế 80km/h, dải dừng xe khẩn cấp ngắt quãng (thường gọi là cao tốc 4 làn xe hạn chế).

Các đoạn tuyến cao tốc 4 làn hạn chế đã được đưa vào khai thác gần đây với tốc độ tối thiểu 60km/h, tối đa 80km/h.

Cục Đường cao tốc cho hay, có nhiều cơ sở để nâng cao tốc độ lên 90 km/h bởi theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế có hai loại tốc độ là tốc độ thiết kế và tốc độ khai thác.

Tốc độ thiết kế trong các tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước trên thế giới đều dùng để tính toán các tiêu chuẩn kỹ thuật hình học giới hạn chủ yếu của đường trong trường hợp khó khăn về địa hình.

Tốc độ này khác với tốc độ lưu hành cho phép. Tốc độ lưu hành cho phép, phụ thuộc tình trạng thực tế của đường chức năng của tuyến đường, địa hình, tình trạng kỹ thuật của đường và khí hậu, thời tiết, điều kiện giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác.

Tốc độ thiết kế được xác định, lựa chọn trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường và là giá trị không đổi trong suốt quá trình xây dựng và khai thác của dự án.

Tốc độ khai thác được xác định, lựa chọn trong quá trình tổ chức vận hành, khai thác các tuyến đường và được thường xuyên đánh giá để điều chỉnh, lựa chọn phù hợp với từng giai đoạn khai thác.

"Thông thường, tốc độ tối đa cho phép lớn hơn hoặc bằng tốc độ thiết kế đã lựa chọn. Các cơ quan quản lý tuyến đường căn cứ vào điều kiện thực tế để xem xét, đánh giá và quy định cho phù hợp, đảm bảo điều kiện an toàn giao thông cho phương tiện trong quá trình khai thác", Cục Đường cao tốc cho hay.

Cục Đường cao tốc cho rằng, việc nghiên cứu, xem xét nâng cao tốc độ tối đa cho phép trong quá trình khai thác các tuyến đường cao tốc trong giai đoạn phân kỳ 4 làn xe hạn chế, ngắt quãng dải dừng xe khẩn cấp từ tốc độ tối đa cho phép 80km/h lên tốc độ tối đa cho phép 90 km/h là có cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn.

"Việc điều chỉnh này sẽ góp phần nâng cao tốc độ hành trình của phương tiện tham gia giao thông, nâng cao mức độ phục vụ của tuyến đường, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả khai thác các đoạn tuyến, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các đoạn tuyến đi qua", Cục Đường cao tốc cho hay.

Cùng chuyên mục

Đề xuất bố trí gần 10.650 tỉ đồng xử lý 8 dự án BOT thua lỗ
Bộ Giao thông Vận tải vừa có Tờ trình số 2451/TTr-BGTVT gửi Chính phủ đề xuất các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Theo đó, ước tính nhu cầu nguồn vốn nhà nước cần bố trí để xử lý 8 dự án BOT giao thông thua lỗ vào khoảng 10.650 tỉ đồng.

Tin mới

Công ty Quang Minh: Vốn 40 tỷ đồng, liên tục trúng thầu tại Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc
Với vốn điều lệ chỉ 40 tỷ đồng, Công ty Quang Minh đã tham gia 52 gói thầu, trúng 51 gói, 1 gói chưa có kết quả với tổng giá trị trúng thầu lên đến 7.511.804.495.860. Tất cả các bên mời thầu đều thuộc hệ sinh thái Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc. Tỷ lệ tiết kiệm chỉ là 0,27%.