Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 08/01/2024 14:50 (GMT+7)

Đề xuất nghiêm cấm cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và BHXH Việt Nam đang tổng hợp ý kiến của các ban, ngành, địa phương về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong các phương án đề cập, nhiều cơ quan, đơn vị và người dân tỏ ý đồng tình với đề xuất, để đảm bảo quyền lợi người lao động cần có quy định cấm mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm.

Đề xuất nghiêm cấm cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức
Ảnh minh họa.

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất 08 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện chính sách BHXH. Trong góp ý mới đây, BHXH Việt Nam đã đề xuất bổ sung thêm hành vi cấm cầm cố, mua bán sổ BHXH; mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia BHXH.

Theo BHXH Việt Nam, trên thực tế, thời gian qua không ít người lao động (NLĐ) cầm cố, mua bán sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần hoặc thậm chí không có ủy quyền. Việc này dẫn đến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng, phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố… nhưng cơ quan BHXH không có căn cứ để giải quyết.

Khoản 2, Điều 2, Bộ luật Dân sự quy định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, quyền mua bán, cầm cố là quyền dân sự, do đó khi phát sinh tranh chấp thì một trong những cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là căn cứ vào việc hành vi này có bị pháp luật nghiêm cấm hoặc hạn chế quyền hay không.

Sổ BHXH không phải là một loại giấy tờ tùy thân, một loại tài sản hoặc một loại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản (như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cổ phiếu hay sổ tiết kiệm…). Sổ BHXH là một loại giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN, BHYT của NLĐ mà quá trình đó có sự tham gia đóng góp của cả NLĐ, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước (nếu có). Do đó, sổ BHXH không thể xem là một loại tài sản thuộc sở hữu của NLĐ có quyền định đoạt như mua bán, cầm cố, thế chấp…

Bên cạnh đó, nếu coi sổ BHXH là một loại tài sản và không thể quy định hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản của NLĐ thì họ không chỉ có quyền mua bán, cầm cố, thế chấp sổ BHXH mà còn có quyền tặng cho, thừa kế… sổ BHXH.

Như vậy, theo BHXH Việt Nam việc chính sách BHXH quy định chế độ tuất sẽ không còn ý nghĩa. Điều này không phù hợp với bản chất của BHXH, đó là đảm bảo an sinh xã hội và có sự chia sẻ giữa những người cùng tham gia và khiến sổ BHXH trở nên giống với hợp đồng bảo hiểm thương mại.

Trước tình trạng nhiều NLĐ mượn các loại giấy tờ như giấy khai sinh, bằng cấp, chứng chỉ, sơ yếu lý lịch… của người thân, bạn bè để tham gia BHXH, BHXH Việt Nam cũng đề xuất cần cấm hành vi này do dễ dẫn đến trùng thông tin tham gia BHXH với “chính chủ” hoặc có sự không thống nhất trong hồ sơ, giấy tờ khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH.

Ngoài ra, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng nêu rõ và nghiêm cấm các hành vi sử dụng các quỹ BHXH không đúng quy định pháp luật như: Truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHXH; Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về BHXH; xuyên tạc về chính sách BHXH.

Các hành vi như: Cộng tác, bao che, giúp sức cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH hoặc cản trở người khác thực hiện nghĩa vụ đóng, không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về BHXH; Chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc; Cầm cố, mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức cũng bị nghiêm cấm.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên thảo luận ở Hội trường Quốc hội về dự án Luật BHXH (sửa đổi) diễn ra ngày 23/11/2023, góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đề nghị bổ sung từ "chiếm đoạt là hành vi bị nghiêm cấm" vào khoản 1, Điều 8 vì thực tế cho thấy một bộ phận người sử dụng lao động đã có hành vi chiếm đoạt tiền đóng BHXH của người lao động.

Theo Đại biểu, hàng tháng người sử dụng lao động vẫn trích lại phần tỉ lệ mà người lao động phải đóng nhưng lại không đóng cho cơ quan BHXH, gây ảnh hưởng đến quyền lợi về BHXH của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi chậm nộp hồ sơ tham gia, chậm điều chỉnh thông tin tham gia BHXH bắt buộc, không điều chỉnh mức lương đóng BHXH.

Đại biểu cho rằng, quy định này nhằm bảo vệ người lao động thuộc diện đóng BHXH bắt buộc giúp họ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công để có thể biết và giám sát người sử dụng lao động đã đóng BHXH cho họ hay chưa, mức lương đóng BHXH có được điều chỉnh theo thời gian hay không.

Cùng góp ý tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế) đề nghị bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với việc chiếm dụng tiền đóng BHXH vào khoản 2,Điều 8.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, thực tế việc các đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT nhưng vẫn trích trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Đồng thời, Đại biểu cũng đề nghị bổ sung loại hình BHTN vào việc nghiêm cấm hành vi chiếm dụng.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận lần đầu về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tới đây, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thông qua dự án luật quan trọng, tác động tới hàng triệu người lao động này.

Cùng chuyên mục

Tin mới