Đề xuất quy định trừ điểm giấy phép lái xe
Theo Bộ Công an, việc đưa quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để Quốc hội thông qua trong năm nay là cần thiết.
Để chuẩn bị cho Quốc hội nhấn nút thông qua dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (dự luật), Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình một số nội dung của dự luật được Đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Trong đó, Bộ này có đề xuất bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe.
Theo dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 6 không quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe. Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết qua ý kiến góp ý của một số Đại biểu, cơ quan soạn thảo đã phân tích, đánh giá và nhận thấy “việc quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vào dự luật là cần thiết”.
Theo Bộ Công an, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông hiện nay diễn ra rất phổ biến; Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém.
Tính trung bình hàng năm, lực lượng CSGT xử lý trên 03 triệu trường hợp vi phạm. Trong khi tai nạn giao thông đã giảm nhưng còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ.
Mặt khác, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay bị buông lỏng. Cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.
Nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông…
Các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác như Y tế, Dược, Pháp luật cũng đã quy định biện pháp quản lý hành chính nhà nước tương tự như: "Thu hồi chứng chỉ hành nghề", để tăng cường quản lý Nhà nước đối với việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Bộ Công an cho rằng cần hiểu trừ điểm giấy phép lái xe sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.
Qua đó, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm và tái phạm.
Từ đó tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau khi phạm của người lái xe.
Về việc trừ điểm đối với các lỗi hành vi, Bộ Công an cho biết khi xử phạt, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất toàn giao thông cao.
Mức trừ điểm cụ thể trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu quy định cụ thể, đảm bảo không trùng chép với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp giấy phép lái xe còn điểm, người lái xe tiếp tục được phép điều khiển phương tiện, sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu giấy phép lái xe còn điểm thì được phục hồi số điểm ban đầu.
Việc này không tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân, vẫn quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe…
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, nêu ý kiến tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra ngày 24/11/2023, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho biết, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông là vấn đề rất nghiêm trọng.
Do đó, Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tính điểm giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe.
Theo Đại biểu, thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông diễn biến rất phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Tình trạng này một phần nguyên nhân chính đó là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao. Về mặt pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính chỉ mang tính chất nhất thời chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.
Do đó, Đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị Quốc hội và ban soạn thảo bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; xem xét sử dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý Nhà nước.
Bởi, đây là biện pháp đánh trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng tùy vào hành vi vi phạm mà lái xe sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần thì lái xe sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước giấy phép lái xe và buộc phải học lại. Từ đó người điều khiển phương tiện buộc phải tự ý thức về số điểm trên giấy phép của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để bị trừ điểm.
Cũng theo vị Đại biểu, chính sách này trước kia có thực hiện, nhưng hiện nay, xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thông qua việc liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu, cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, nắm bắt được nhiều thông tin khác nhau phục vụ cho công tác quản lý.
Điều này có ý nghĩa trong việc bảo đảm tính chính xác, minh bạch và kịp thời của việc trừ điểm giấy phép lái xe. Ngoài ra, điểm của giấy phép lái xe cũng được coi là một trong những tiêu chí để các nhà tuyển dụng lao động lái xe cho mình.