Đêm nay, rạng sáng mai Việt Nam đón 'cực đỉnh' mưa sao băng Eta Aquarids
Trong quãng thời gian mưa sao băng Eta Aquarids đạt cực đại, người xem có thể quan sát được đến tận 50 vệt sao băng một giờ.
Vào đêm ngày 5/5, rạng sáng ngày 6/5, người dân Việt Nam sẽ có dịp chiêm ngưỡng mưa sao băng Eta Aquarids, với thời điểm cực đỉnh lên đến 50 sao băng mỗi giờ.
Theo kết quả định vị tại TPHCM của trang Time and Date, mưa sao băng Eta Aquarids sẽ diễn ra từ ngày 19/4 đến 28/5, đạt "cực đỉnh" vào đêm ngày 5/5, rạng sáng ngày 6/5, tức đêm hôm nay và rạng sáng ngày mai.
Dù kéo dài từ ngày 19/4 đến 28/5, nhưng tần suất sao không thật sự đáng kể, đa số chỉ vào khoảng một vài sao xuất hiện mỗi đêm.
Để có cơ hội ngắm nhìn nhiều sao băng nhất, bạn nên xem trận mưa này vào ngày "cực đỉnh". Những ngày liền kề ngày cực đỉnh cũng là lựa chọn tốt.
Theo Space, Eta Aquarids có nguồn gốc từ chiếc đuôi đầy bụi của sao chổi Halley. Vào thời điểm mùa xuân, Trái Đất lại đi qua những vệt mảnh vụn từ Sao chổi Halley này.
Khi các mảnh băng và đá này xâm nhập vào bầu khí quyển của hành tinh, chúng bốc cháy và trở thành thiên thạch.
Trái Đất đi qua khu vực chứa vụn vỡ từ Sao chổi Halley 2 lần một năm, lần “ghé thăm” thứ 2 chính là dịp diễn ra mưa sao băng Orionid xuất hiện vào mùa thu tới.
Tuy người dân Trái Đất có thể chiêm ngưỡng mưa sao băng từ Halley tới 2 lần mỗi năm nhưng bạn sẽ phải chờ đến 76 năm mới quan sát được cả ngôi sao chổi này, khi nó tiến gần Mặt Trời trên quỹ đạo.
Mưa sao Eta Aquarid nổi tiếng với những ngôi sao băng siêu nhanh, đạt tốc độ di chuyển lên đến 78km/giây. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, vì những thiên thể này thường để lại các vệt sáng phía sau trong vài giây, vừa đủ để mắt thường có thể nhận thấy.
Cách để quan sát tốt mưa sao băng là chọn một nơi tối và thoáng đãng, để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút bằng cách tránh xa ánh đèn và các thiết bị điện tử. Độ rõ của mưa sao băng còn tùy thuộc vào thời tiết nơi bạn đang sinh sống.