Dự đoán tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam trong tương lai
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam khó có nguy cơ bùng dịch COVID-19 trở lại khi có miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ tiêm chủng cao. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan.
Nguy cơ bùng dịch thấp
Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội cận kề, với nhu cầu đi lại, tập trung đông người tăng cao, nhất là trong bối cảnh nhiều nước đã tái bùng phát dịch COVID-19 trở lại, Việt Nam vẫn đang tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đánh giá về nguy cơ liệu có tái bùng phát dịch COVID-19 trong thời gian tới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho rằng: “Việt Nam khó có nguy cơ bùng phát dịch do đã có miễn dịch. Việt Nam cũng đã bãi bỏ việc xét nghiệm ở cửa khẩu từ rất lâu và hiện đang kiểm soát dịch tốt”.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhận định: Hiện Việt Nam đã có trên 90% người dân có miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, trước nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân vẫn cần cảnh giác.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 2/1/2023, cả nước đã tiêm được trên 265 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: Nhóm người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được trên 71 triệu liều mũi 1, mũi 2 đạt trên 68 triệu liều, mũi bổ sung là 14 triệu liều, mũi nhắc lại lần 1 là trên 51 triệu liều, mũi nhắc lại lần 2 là trên 17 triệu liều. Với đối tượng trẻ từ 12- 17 tuổi đã tiêm được trên 23,8 triệu liều; với trẻ từ 5- 11 tuổi đã tiêm được trên 18 triệu liều.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số địa phương tiêm chậm, chưa đạt tiến độ, nhất là tiến độ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ em. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn chủ quan không tiêm nhắc lại, khó đảm bảo được miễn dịch phòng bệnh.
Trong khi đó, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đã có hơn 500 biến chủng phụ của biến chủng Omicron, với tốc độ lây truyền cao, thậm chí có thể tránh được hệ miễn dịch. Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng dịch.
Theo các chuyên gia, tuy đang kiểm soát tốt dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát sự xuất hiện của các biến chủng mới gây dịch COVID-19 để kịp thời có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Giám sát các biến chủng mới, nâng cao ý thức người dân
Trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp trên thế giới, để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm qua các cửa khẩu, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các hoạt động kiểm dịch y tế theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, với sự thay đổi của một số nước trong chính sách phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, về chính sách đối với người nhập cảnh, Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị để tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh để không bị động trong tình hình mới.
Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương, nhất là các địa phương có cửa khẩu cần phải đẩy nhanh tiêm chủng; cố gắng trong 2 tuần đầu tháng 1/2023, các tỉnh, thành đang tiêm chậm, thấp hoàn thành mục tiêu đề ra về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Về giám sát các biến chủng mới gây dịch COVID-19, trong năm 2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã giải trình 541 mẫu bệnh phẩm của các tỉnh, thành khu vực miền Bắc; kết quả có đến 92% trong số các mẫu này là biến chủng Omicron, trong đó có các biến thể như: BA.1; BA.2; BA.5; BA.2.74, BA.5.2, BA.2.75.6…
Bên cạnh việc tăng cường giám sát với hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu, các đơn vị, địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền để hành khách nhập cảnh chủ động thông báo tình hình sức khỏe và chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Đối với các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cần thực hiện cách ly tạm thời ngay tại cửa khẩu, xét nghiệm nhanh để có giải pháp phù hợp.