Đụng độ biên giới Ấn-Trung: Hệ quả gì cho cuộc khủng hoảng 'chưa có từng có trong tiền lệ'?
Nói về cuộc đụng độ giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại Ladakh vào tối thứ 2 (15/6) khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, nhà phân tích an ninh Vipin Narang nhận xét: "Có vẻ như mọi chuyện rất, rất tồi tệ".
BBC đăng tải, sự kiện được đánh giá là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất trong gần nửa thế kỷ trở lại đây tại vùng biên giới tranh chấp dài nhất thế giới. Ấn Độ cho hay cả hai bên đều chịu thương vong nhưng Trung Quốc từ chối nêu ra con số cụ thể.
"Một khi thương vong xảy ra, giữ cho mọi thứ yên lặng là điều rất khó cho cả hai bên. Giờ đây áp lực từ công luận trở thành một biến số", Tiến sĩ Narang, hiện là giáo sư về nghiên cứu an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts cho hay. "Quy mô và phạm vi của áp lực dọc theo biên giới [hiện tại] dường như chưa từng có trong tiền lệ".
Hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân có một lịch sử mâu thuẫn và tranh chấp liên quan tới khu vực lãnh thổ dài hơn 3.440 km và được phân định một cách khá "qua loa" nhờ vào Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Lính tuần tra biên giới các bên thường hay chạm mặt, dẫn tới một vài lần đụng độ. Tuy nhiên, trong suốt 4 thập kỷ qua, hầu như chưa có vụ nổ súng nào xảy ra.
Đó chính là lý do tại sao cuộc đối đầu tối ngày 15/6 sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng lại khiến không ít người ngạc nhiên.
"Một sự leo thang kinh ngạc", biên tập viên quốc phòng của tạp chí The Economist Shashank Joshi chia sẻ với kênh BBC. "Không hề nổ súng trong 45 năm sau đó ít nhất 20 lính thiệt mạng chỉ trong một buổi tối do ném đá và tấn công bằng gậy".
Hồi đầu tháng 5, có thông tin là Trung Quốc đã dựng trại, đào hào và di chuyển các thiết bị hạng nặng nhiều km vào trong khu vực được Ấn Độ coi là vùng lãnh thổ của mình tại thung lũng Galwan ở Ladakh. Động thái diễn ra sau khi Ấn Độ xây dựng một con đường dài vài trăm km kết nối với một căn cứ không quân bắt đầu hoạt động lại từ năm 2008.
"Một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm"
Những chi tiết xung quanh vụ việc tối thứ 2 vẫn khá mơ hồ. Ấn Độ và Trung Quốc đều cáo buộc nhau vi phạm các thỏa thuận liên quan tới đường LAC tại Thung lũng Galwan.
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai nước đã sử dụng các kênh quân sự và ngoại giao để làm giảm leo thang và các chỉ huy cấp cao cũng đã có một "cuộc gặp mặt hiệu quả" vào ngày 6/6. Họ đồng ý về "một tiến trình giảm leo thang" và sau đó, các chỉ huy trên chiến trường cũng đã tham dự một loạt các cuộc họp nhằm hiện thực hóa thỏa thuận.
Biên tập viên Ankit Panda tại tạp chí The Diplomat chỉ ra, cuộc khủng khoảng hiện tại là "một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa hai nước – kể từ đối đầu Doklam 2017 và có thể là còn lâu hơn nữa". Năm 2017, việc Trung Quốc xây đường đã châm ngòi cho cuộc đụng độ kéo dài 73 ngày tại giao lộ giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan.
Tuy nhiên, ông Shivshankar Menon, một chuyên gia về Trung Quốc và là cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ đánh giá, cách hành xử của Bắc Kinh lần này "rất khác biệt so với quá khứ".
"Những gì chúng ta từng chứng kiến là nhiều lần đụng độ, các động thái tiến quân và Trung Quốc chiếm các khu vực mà họ chưa bao giờ chiếm giữ trước đó dọc theo đường LAC", ông Menon nói với trang tin The Wire. "Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại bởi vì nó rất khác với những gì Trung Quốc từng làm trong quá khứ".
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải quyết cho tình huống trên.
Về mặt chiến thuật, động thái cải tạo hạ tầng cơ sở của Delhi ở biên giới có thể đã khiến quân đội Trung Quốc hành động ở Ladakh. Đại dịch COVID-19 có khả năng được Bắc Kinh coi như một cái cớ để hành động, đặc biệt khi quân đội Ấn Độ trì hoãn tập trận tại Ladakh vào tháng 3. "Tuy nhiên tôi nghi ngờ đó không phải là nguyên nhân duy nhất", ông Joshi nói.
"Có phải là vì con đường không? Hay có liên quan tới Điều khoản 370 [Ấn Độ đơn phương thay đổi tình trạng của Kashmir hồi tháng 8 năm ngoái]? Hoặc nhằm gia tăng mức độ khiêu khích? Chúng ta không biết được", Tiến sĩ Narang chia sẻ. "Nhưng tình hình rất căng thẳng và vẫn chưa kết thúc".
Theo ông Menon, Trung Quốc đang hướng về chủ nghĩa dân tộc cứng rắn vì "những áp lực nội bộ và kinh tế". "Anh có thể nhìn thấy điều đó trong cách hành xử của họ tại Hoàng Hải, Đài Loan, thông qua luật mà không tham vấn Hong Kong, dữ dằn hơn tại biên giới Ấn Độ, chiến tranh thuế quan với Australia…"
Tối ngày 16/6, Ấn Độ thông báo đã rút binh lính khỏi nơi xảy ra đụng độ. Các tin tức trước đó cho hay, các kênh quân sự đã được sử dụng và hai bên không tiếp tục leo thang. "Đó là tin tức tốt cho Ấn Độ vì họ hầu như không có lựa chọn trả đũa trong bối cảnh hiện tại", ông Panda chỉ ra.
Còn ông Joshi tin tưởng, hậu quả quan trọng nhất của cuộc đụng độ tối thứ 2 sẽ là những hoạt động "ngoại giao quy mô và dài hơi hơn".
"Trong 10 năm, mối quan hệ đối thủ Trung-Ấn ngày càng gia tăng nhưng chủ yếu vẫn ổn định", ông Joshi nói. Ấn Độ và Trung Quốc cũng "dính dáng" với nhau nhiều hơn. Từ năm 1998 tới 2012, giá trị thương mại song phương đã tăng 67 lần; Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Ấn Độ. Sinh viên Ấn Độ "đổ xô" tới các trường đại học của Trung Quốc. Cả hai nước cũng tiến hành nhiều hoạt động tập trận chung.
"Giờ đây chúng ta có thể tiến vào một thời kỳ nghi kị và đối kháng mức độ cao, khiến những nồng ấm thể hiện tại thượng đỉnh Vũ Hán năm 2018 bị xóa nhòa", ông kết luận.